Với sản lượng mỗi năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn, sầu riêng Khánh Sơn đang trở thành nông sản mang lại giá trị cao, giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo, kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc địa phương chỉ có Tỉnh lộ 9 là con đường duy nhất đi ra ngoài khiến việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.
Vận chuyển nông sản gặp khó khăn
Hiện nay, huyện Khánh Sơn kết nối với các địa phương khách bằng con đường duy nhất là Tỉnh lộ 9. Tuyến Tỉnh lộ 9 dài 56,3km có điểm đầu từ Quốc lộ 1 (TP. Cam Ranh) đi qua xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) để kết nối với huyện Khánh Sơn. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các cơ quan chức năng đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, trên tuyến có nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu, xe tải lớn hoặc xe container lưu thông rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Bính - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phương Đài (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng Khánh Sơn có sản lượng lớn, chất lượng hiếm nơi nào bằng. Tuy nhiên, nhiều năm nay việc tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ do hạ tầng giao thông không phát triển. Mỗi năm, hàng chục nghìn tấn sầu riêng ở Khánh Sơn phải trung chuyển bằng xe nhỏ về TP. Cam Ranh rồi mới lên xe lớn đi các tỉnh khác vì xe container không thể lên Khánh Sơn được. Tình trạng này khiến phát sinh thêm nhiều chi phí, thời gian giao hàng chậm, ảnh hưởng chất lượng sầu riêng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay toàn huyện có 2.600ha sầu riêng với sản lượng hàng năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn. Hầu hết đều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, trong đó có các loại sầu riêng nổi tiếng như như: Mongthong, Ri6, Musang King, Chín Hóa… Thời gian qua, địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích người dân trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng. Đặc biệt, trên địa bàn có 15 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho rằng, huyện có tiềm năng lớn để phát triển vùng sản xuất nông sản, nhất là sầu riêng. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác hoặc phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Con đường duy nhất để kết nối Khánh Sơn với các vùng là Tỉnh lộ 9 nhỏ hẹp, đèo dốc, cua gấp, đi lại khó khăn. Nhiều lần xe tải lớn lên thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) khi đi đến giữa đèo là bị sự cố, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu thụ nông sản cũng như phát triển du lịch của huyện.
Một góc huyện miền núi Khánh Sơn |
Đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường giao thông liên vùng
Để phát triển giao thông nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng như tăng cường kết nối liên kết vùng, ngày 20-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Dự án Đường giao thông liên vùng). Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường vào địa phận xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, tổng chiều dài tuyến khoảng 56,7km, trong đó có gần 27km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh và gần 30km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn. Đây là loại đường cấp III miền núi, có bề rộng 9m (mặt đường rộng 6m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m). Đường gồm 2 làn xe, không có dải phân cách giữa; được thiết kế tốc độ 60km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn 40km/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.809 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.
Đến ngày 10-9, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu gói thi công là liên danh 5 nhà thầu, gồm: Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng Giao thông Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng đường bộ Khánh Hòa; Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH; Tổng Công ty Thăng Long - Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam. Đồng thời, nhà thầu cũng tổ chức khởi công dự án vào ngày 10-9. Hiện nay, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án theo đúng quy định hiện hành.
Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, khi dự án Đường liên vùng đi vào hoạt động 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gần nhau hơn, tạo động lực mới thúc đẩy 2 huyện phát triển mạnh mẽ, đặc biệt góp phần giải tỏa áp lực giao thông, giúp xe container có thể lên tận trung tâm huyện Khánh Sơn vận chuyển sầu riêng đi tiêu thụ. Trong thời gian tới, ban sẽ phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn và UBND huyện Khánh Vĩnh thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời khảo sát, đánh giá, kiểm kê tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định, đảm bảo sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Đinh Văn Dũng cho rằng, Dự án Đường giao thông liên vùng hình thành sẽ phá được thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống Tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Con đường này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo thuận lợi để Khánh Sơn phát triển thành vùng sản xuất nông sản quy mô lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho từng người dân của huyện.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin