Để tìm hướng phát triển bền vững cho các nhà yến ở Đắk Lắk, ngày 7-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp kinh doanh yến sào của tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Thương mại Hải Yến Nha Trang (Hải Yến Nha Trang). Qua đó, hai bên tìm hiểu các thế mạnh của nhau để tiến tới liên kết, cùng nhau đưa sản phẩm yến sào xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tại buổi làm việc, Hải Yến Nha Trang cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp kinh doanh yến sào của tỉnh Đắk Lắk đã trao đổi với nhau những quy trình sản xuất cũng như các yêu cầu cần thiết đối với sản phẩm yến sào xuất khẩu. Các vấn đề về rào cản kỹ thuật, yêu cầu riêng biệt của từng thị trường cũng được Hải Yến Nha Trang khuyến cáo để các doanh nghiệp yến sào Đắk Lắk biết, nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trong quá trình vận hành, khai thác nhà yến. Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk cũng đã tham quan, tìm hiểu toàn bộ dây chuyền, quy trình sản xuất tại Nhà máy chế biến Yến sào The Hải Yến (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh). Thông qua sự tìm hiểu này để hai bên xúc tiến đến sự liên kết chặt chẽ hơn vùng nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu chất lượng.
Bà Trần Thanh Hải - Giám đốc Hải Yến Nha Trang cùng các doanh nghiệp yến sào Đắk Lắk trao đổi về quy cách sơ chế tổ yến. |
Các doanh nghiệp trao đổi về quy trình tạo ra các sản phẩm yến tổ tinh chế. |
Ông Phạm Văn Hậu - Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk cho biết, sau một thời gian phát triển nóng, sản lượng tăng nhanh, cộng với kinh tế có phần khó khăn nên việc tiêu thụ các sản phẩm về yến bắt đầu khó khăn, giá bán bắt đầu giảm. Đứng trước thực trạng đó, việc tìm giải pháp mới, tìm hướng đi mới, đặc biệt là công tác đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trở nên cần thiết. Theo ông Hậu, muốn làm được điều này, các doanh nghiệp, nhà yến Đắk Lắk mong muốn được hợp tác với những doanh nghiệp xuất khẩu như Hải Yến Nha Trang. Chỉ có sự liên kết như vậy mới đủ lực để giúp yến sào Việt Nam khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk có khoảng gần 2.000 nhà yến, phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Ea Súp, huyện Krông Pắc có số lượng nhà yến nhiều nhất. Dù nghề nuôi yến với mục đích thương mại mới xuất hiện khoảng 10 năm nay nhưng đang phát triển rất mạnh, mang lại lợi nhuận cao cho chủ cơ sở. Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, tốc độ phát triển nhà yến nhanh, sản lượng tổ yến ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk và các doanh nghiệp tại kho nguyên liệu của Hải Yến Nha Trang. |
Bà Trần Thanh Hải - Giám đốc Hải Yến Nha Trang cho biết, ngành yến sào Việt Nam đang có những bước tiến vô cùng khởi sắc khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhưng thị trường này có tính cạnh tranh và đào thải cao. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực cạnh tranh gắt gao vì xem đây là thị trường quan trọng. Mục tiêu của Hải Yến Nha Trang là xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Việt trên thị trường quốc tế; vì vậy, cần tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô đạt chất lượng và có chính sách bình ổn về giá để có thể phát triển lâu dài. Nếu được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh cũng như các doanh nghiệp, nhà yến của tỉnh Đắk Lắk, Hải Yến Nha Trang sẵn sàng liên kết để đưa sản phẩm yến sào xuất khẩu đi các nước trên thế giới.“Với những áp lực, phương thức cạnh tranh trong giá cả sau khi tinh chế và tạo ra thành phẩm để xuất khẩu đến từ các nước trong khu vực, Hải Yến Nha Trang sẽ đưa ra mức giá bình ổn nguyên liệu thô để các nhà yến lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển thương hiệu yến Việt trên thị trường quốc tế. Để có sản phẩm chất lượng, yếu tố chất lượng nguyên liệu thô luôn được công ty chú trọng và phát triển. Chúng tôi luôn có những chính sách tốt để hỗ trợ các nhà yến về quy trình, kỹ thuật từ việc gây đàn, chăm sóc và thu hoạch. Việc nâng cao được giá trị sản phẩm từ nguồn gốc xuất xứ sẽ tạo ra một sản phẩm chất lượng, có độ hoàn thiện cao nhất”, bà Trần Thanh Hải cho hay.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk trao đổi các vấn đề liên quan với Hải Yến Nha Trang. |
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng về phát triển nhà yến; tuy nhiên, thời gian vừa qua, các hộ gia đình chủ yếu phát triển tự phát. Số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên rất nhanh, hiện cả tỉnh đã có khoảng 2.000 nhà nuôi chim yến. Vấn đề mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm yến sào luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành và đặc biệt các doanh nghiệp lớn về yến sào quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp yến sào của tỉnh có thể liên kết được với các doanh nghiệp yến sào Khánh Hòa có kinh nghiệm xuất khẩu như Hải Yến Nha Trang. Tuy nhiên, để ngành yến phát triển bền vững, các doanh nghiệp, người dân không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thật tốt, có giá trị cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần kết nối, tạo ra chuỗi giá trị. Để yến nuôi có thể phát triển một cách bền vững và trở thành một thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án về phát triển yến sào. Đây chính là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp yến sào của Đắk Lắk và Khánh Hòa có thể liên kết, hợp tác cùng phát triển.
NHẬT MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin