18:47, 23/06/2024

Nâng cao giá trị thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn

HẢI LĂNG

Cùng với việc liên kết sản xuất, phát triển mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, huyện Khánh Sơn còn kêu gọi các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sầu riêng để nâng cao giá trị của loại trái cây đặc sản này.

Liên kết sản xuất, phát triển mã số vùng trồng

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sầu riêng trên vùng đất Khánh Sơn đã trở thành loại nông sản đặc hữu, giá trị cao. Sản lượng sầu riêng hàng năm của huyện đạt hơn 15.000 tấn và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được 2.600ha sầu riêng, trong đó hơn 1.500ha đang trong thời kỳ cho trái, với các loại sầu riêng như: Monthong, Ri6, Musang King, Chín Hóa. Trong thời gian ngắn nữa, các nhà vườn sẽ bắt đầu thu hoạch rộ sầu riêng, ước tính sản lượng năm nay đạt khoảng 17.000 - 18.000 tấn.

Sầu riêng đã mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Khánh Sơn
Sầu riêng đã mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Khánh Sơn.

Ông Phan Trường Nam - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung chia sẻ: “Trên địa bàn xã có 230ha sầu riêng, với diện tích trong thời kỳ kinh doanh là 150ha, dự kiến sản lượng thu hoạch năm nay khoảng 1.300 tấn. Trong phát triển sầu riêng, xã chú trọng hỗ trợ thành lập được 3 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã, thu hút hơn 50 nhà vườn tham gia. Nhiều sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; nhiều diện tích trồng sầu riêng của nông dân được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc…”.

Đến nay, huyện Khánh Sơn đã có 11 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác trồng cây ăn quả, tiêu thụ sầu riêng thu hút hàng trăm nhà vườn tham gia. Địa phương còn vận động, khuyến khích người dân trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, nhất là bảo đảm nguồn nước tưới. Đồng thời, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với tổng diện tích hơn 350ha; phát triển được 34 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, trên địa bàn có 15 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.

Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để phát triển sầu riêng theo hướng sạch, an toàn, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, việc được cấp mã số vùng trồng là giải pháp quan trọng nhằm duy trì và nâng cao giá trị của loại nông sản này. Để duy trì các mã số vùng trồng, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất sầu riêng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Chế biến sâu để nâng cao giá trị

Không chỉ chú trọng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch, một hướng đi được địa phương chú trọng là mời gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến, nâng cao giá trị sầu riêng tươi. Tiên phong đầu tư trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng - đây là doanh nghiệp địa phương lựa chọn trồng, kinh doanh và chế biến, phát triển các dòng sản phẩm gia tăng giá trị trái sầu riêng tươi. Từ vùng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đã đạt chuẩn VietGAP, từng trái sầu riêng đạt độ chín được doanh nghiệp thu hoạch, qua quá trình chế biến tại nhà xưởng đạt tiêu chuẩn đã cho ra đời các dòng sản phẩm sầu riêng sấy, kem sầu riêng, sầu riêng cấp đông, sữa chua sầu riêng…

Sầu riêng được áp dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng
Sầu riêng được áp dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng chia sẻ: “Hiện nay, công ty tập trung xây dựng chuỗi liên kết với các hợp tác xã trồng cây ăn trái, nhà vườn trên địa bàn huyện để mở rộng, phát triển vùng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn để đưa vào chế biến sâu, tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm từ trái sầu riêng tươi và xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng ra nước ngoài”.

Ông Đinh Văn Dũng cho biết: Việc phát triển đa dạng các sản phẩm trên nền tảng sầu riêng tươi phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho sầu riêng Khánh Sơn, nâng cao thu nhập cho người trồng sầu riêng; gia tăng giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác của huyện đến nay đạt 100 triệu đồng/ha. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, ngoài giá trị nông sản là chính, còn có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đa dạng các sản phẩm OCOP, tích hợp nông nghiệp với du lịch, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Địa phương cũng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Khánh Sơn đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng và nông sản…

HẢI LĂNG