Những năm gần đây, Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang và Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng khiến doanh thu, lợi nhuận giảm sút trầm trọng, không duy trì được việc làm cho người lao động.
Khó khăn chồng chất
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang, năm 2023, giá trị sản xuất toàn công ty đạt 8,8 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ đạt 858 triệu đồng. Tuy nhiên, tính lợi nhuận trước thuế, năm 2023, công ty lỗ 66,5 tỷ đồng, trong đó có các khoản chi bao gồm: Lương cơ bản của khối văn phòng khoảng 1,3 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định chưa phân bổ vào sản phẩm hơn 16,1 tỷ đồng; chi phí lãi vay các khoản nợ cũ 46,3 tỷ đồng; chi phí quản lý trực tiếp hơn 1,6 tỷ đồng…
Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang cho biết thêm, từ năm 2014 đến nay, số lượng lao động của công ty giảm từ 119 người xuống 54 người; thu nhập bình quân của người lao động cũng giảm đáng kể. Đối với việc trả trợ cấp thôi việc theo quy định cho những người nghỉ việc, do không đủ tiền để chi trả một lần nên công ty phải thỏa thuận với người lao động phân kỳ thanh toán. Tổng số tiền phải thanh toán 964 triệu đồng, đến nay công ty mới trả được hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 19 tỷ đồng, trong đó hơn 11,1 tỷ đồng tiền gốc và gần 8 tỷ đồng tiền lãi. Năm 2023, công ty lỗ do chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tài chính của các khoản vay nợ cũ, chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn. Hiện nay, tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn do doanh thu không đạt kế hoạch.
Tại Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh, tình hình sản xuất kinh doanh cũng tương tự. Năm 2023, công ty đưa ra kế hoạch đóng mới và bàn giao 2 tàu nhưng không thực hiện được sản phẩm nào mà chỉ sửa chữa bàn giao được 21 tàu. Tổng doanh thu của công ty trong năm 2023 đạt gần 37 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 20,9 tỷ đồng, doanh thu từ bán thanh lý tài sản thi hành án 15,7 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu cao nhưng tổng chi phí của công ty lên đến 331,9 tỷ đồng, lỗ 294,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí khấu hao, lãi vay có gốc ngoại tệ… 5 tháng đầu năm 2024, công ty chưa ký hợp đồng đóng mới được tàu nào mà mới bàn giao được 8 tàu sửa chữa với trị giá sản xuất kinh doanh khoảng 4,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 26 tỷ đồng; nợ lương hơn 500 triệu đồng; nợ tiền thôi việc, mất việc làm 141 triệu đồng.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh đang sửa tàu cũ. |
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh cho biết, trong năm, công ty đã nỗ lực tìm kiếm hợp đồng đóng mới và sửa chữa để đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh chưa đạt theo kế hoạch. Hiện, công ty vẫn đang thương thảo hợp đồng với khách hàng đóng mới sà lan 300 tấn theo kế hoạch của năm 2023. Công ty nhận định tình hình thị trường năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do điều kiện về cơ sở hạ tầng đầu tư dở dang, không phát huy được hiệu quả; tài chính của công ty không đủ đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Đang làm thủ tục phá sản
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 220 về việc xử lý Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) theo hướng phá sản công ty mẹ và 7 công ty con thuộc SBIC, trong đó có Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang và Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh.
Trong buổi làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang và Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đã chia sẻ khó khăn với cán bộ, công nhân của 2 công ty. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo pháp luật về phá sản, 2 công ty vẫn phải duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện các thủ tục, vẫn ký những hợp đồng đóng mới, sửa chữa phù hợp với năng lực của mình. Thứ trưởng đề nghị 2 công ty phối hợp chặt chẽ với tòa án để thực hiện từng bước thủ tục phá sản.
Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang đã tổ chức họp, động viên, ổn định công tác tư tưởng cho người lao động để họ yên tâm tiếp tục làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban lãnh đạo công ty cũng chủ động trao đổi với các đối tác, khách hàng để họ yên tâm tiếp tục hợp tác kinh doanh cùng công ty; đồng thời triển khai các thủ tục phá sản nộp cho tòa án. Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và SBIC có phương án hỗ trợ công ty trong việc đàm phán ký kết các hợp đồng đóng mới với khách hàng trong quá trình công ty nộp đơn phá sản; đồng thời hỗ trợ công ty trong việc trình Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quỹ đất công ty đang sử dụng để công ty có đủ điều kiện tài chính hoạt động trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang: Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, các doanh nghiệp phải ưu tiên rà soát mọi chế độ liên quan đến quyền lợi của người lao động; giải quyết chế độ đảm bảo hài hòa, không để người lao động thiệt thòi; tiếp tục tìm kiếm việc làm cho công nhân, duy trì sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin