20:52, 20/03/2024

Chung tay gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC

THẾ ANH - ĐỨC ĐỊNH (Thực hiện)

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cùng đại diện 5 tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư vừa kiểm tra công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) ở khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Thái Lan. Kết thúc đợt kiểm tra, Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, trưởng đoàn công tác đã trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí về nội dung này.

Trung tướng Bùi Quốc Oai.
Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

-  Xin ông cho biết mục đích, yêu cầu của chuyến công tác lần này?

- Xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng về đợt cao điểm chống khai thác IUU, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Mục đích của chuyến công tác lần này là đánh giá thực trạng tình hình triển khai nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU của các lực lượng chức năng và Cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể là biên đội tàu đang thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU ở khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Thái Lan. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ và có những giải pháp chỉ đạo sát thực hơn. Trong dịp này, chúng tôi đã kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở các tàu trực và các đơn vị thuộc lực lượng cảnh sát biển tại các đảo, như: Côn Đảo, Thổ Chu.

- Ông đánh giá như thế nào về việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trong công tác chống khai thác IUU thời gian qua?

- Sự phối hợp, hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển với các lực lượng chức năng khác rất tốt thông qua việc thường xuyên trao đổi, thông tin, nắm, đánh giá, nhận định tình hình, thống nhất giải pháp triển khai. Thực tế trong chuyến kiểm tra này, các biên đội tàu đều có sự trao đổi thường xuyên, hiệp đồng chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở khu vực biển giáp ranh. Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã tổ chức một Sở Chỉ huy liên hợp đặt tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Nhiệm vụ của Sở Chỉ huy liên hợp này nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với nhau; xử lý các vấn đề trong công tác phòng, chống khai thác IUU hiệu quả nhất, kịp thời nhất.

- Ông có thể đánh giá sơ bộ về kết quả đạt được trong chuyến công tác, việc chấp hành của các lực lượng và quan điểm của cảnh sát biển trong xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU?

- Qua thực tế kiểm tra, kiểm soát trong chuyến công tác cho thấy sự chỉ đạo rất đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo hành lang pháp lý rất tốt để các lực lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó là sự vào cuộc rất quyết liệt, quyết tâm của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa địa phương với đơn vị chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển đã nhận thức rất tốt nhiệm vụ và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Ý thức, nhận thức của ngư dân được nâng lên, hiểu được hậu quả của việc vi phạm khai thác IUU. Qua đó, việc chấp hành, hợp tác của ngư dân với lực lượng chấp pháp tốt hơn; khi có nội dung cần phải khắc phục, xử lý, ngư dân đều chấp hành nghiêm.

Kiểm tra thực tế cho thấy, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu canh trực đã quán triệt, triển khai rất nghiêm túc sự chỉ đạo của các cấp; tổ chức xây dựng, hoàn thiện, triển khai luyện tập các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 100% cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm cao và mong muốn được đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Về quan điểm xử lý đối với hành vi vi phạm của ngư dân là phải hết sức nghiêm túc; xử lý đúng lỗi phạm, đúng người, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, giải thích, yêu cầu để ngư dân chấp hành tốt hơn quy định của Nhà nước. Song song đó, chúng tôi động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, vừa tiếp tục phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời chấp hành tốt luật pháp của Nhà nước.

- Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống khai thác IUU năm 2024 của lực lượng cảnh sát biển?

-  Phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ của các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương có biển. Vì vậy, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có vai trò rất quan trọng và cần thiết, đây chính là nguồn lực, là sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian tới, cảnh sát biển sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng (biên phòng, kiểm ngư, hải quân, công an), chính quyền địa phương các tỉnh, thành ven biển triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác IUU; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về công tác chống khai thác IUU.

Lực lượng cảnh sát biển cũng tiếp tục duy trì các lực lượng tuần tra kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm các tàu cá và thuyền trưởng cố tình vi phạm, có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Cùng với đó, chủ động nắm tình hình trên các vùng biển và địa bàn có liên quan; kịp thời phát hiện các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam...

Đặc biệt, trong thời gian tới, toàn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành ven biển và các cơ quan chức năng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU. Qua đó, giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép, nỗ lực chung tay với các cấp, ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH - ĐỨC ĐỊNH (Thực hiện)