20:51, 07/01/2024

Vận hành đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm: Góp phần giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo

NHẬT MINH 

Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung vừa đóng điện giai đoạn 2, chính thức hoàn thành công trình đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm. Sau khi đi vào vận hành, đường dây này sẽ tạo mạch liên kết khu vực duyên hải miền Trung, đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế và góp phần giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Nỗ lực thực hiện đúng tiến độ

Công trình đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm được khởi công vào tháng 12-2017, do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung quản lý điều hành. Công trình có quy mô xây dựng khoảng 88,06km đường dây 220kV mạch kép và 176 vị trí cột đi qua địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. Mục tiêu của công trình tạo mạch 220kV liên kết khu vực duyên hải miền Trung; đảm bảo vận hành an toàn, cung cấp điện cho khu vực 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, đáp ứng giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió đấu lên lưới 110kV, 220kV của các tỉnh trong khu vực. 

Trạm biến áp của đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm.
Trạm biến áp của đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm.

Công trình được chia thành 2 đoạn tuyến, trong đó đoạn tuyến không vượt rừng dài khoảng 36km đã hoàn thành vào tháng 8-2023. Đối với đoạn tuyến vượt rừng nằm trên địa phận cả 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có chiều dài 52km. Việc thi công dù gặp rất nhiều khó khăn song với tính cấp bách, nhằm nâng cao khả năng cung cấp năng lượng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa và Ninh Thuận nên Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung đã đặt quyết tâm rất cao. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu cử chỉ huy trưởng phải có mặt thường xuyên trên công trường điều hành dự án; bổ sung nhân lực, máy đào mở đường công vụ đồng loạt các vị trí móng. Đối với đơn vị tư vấn giám sát, phải bố trí đầy đủ cán bộ để giám sát, thường xuyên đôn đốc tiến độ, báo cáo tình hình thi công hằng ngày, kịp thời cảnh báo nếu nhà thầu thi công chậm tiến độ; yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế bố trí cán bộ giám sát để xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thi công.

Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung, công trình này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nắng nóng và nguồn cung cấp điện gặp nhiều thách thức như hiện nay. Chính vì vậy, trong quá trình thi công, toàn công trường đã rất quyết tâm để vượt qua khó khăn. Các đơn vị tham gia đều phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn; mọi vướng mắc phát sinh đều được giải quyết ngay để hoàn thành toàn đúng tiến độ.

Phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện

Ông Nguyễn Đình Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung cho biết, tuy trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia nên công trình bám sát tiến độ kế hoạch đề ra. Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung đã luôn đồng hành với nhà thầu để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đơn vị ưu tiên nghiệm thu các hạng mục đạt để giải ngân kịp thời cho nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 trong tháng 8-2023; đến đầu năm 2024 chính thức đóng điện giai đoạn 2 và hoàn thành công trình. Việc hoàn thành công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cung cấp năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. 

Ban điều hành dự án trên công trường.
Ban điều hành dự án trên công trường.

Trong thời gian tới, 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục có thêm các dự án đầu tư năng lượng tái tạo mới (đang được chính quyền các địa phương chấp thuận chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch). Đồng thời, các khu đô thị mới ở phía nam tỉnh Khánh Hòa đang được đồng loạt triển khai. Do đó, đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm đã tạo nên sự phát triển đồng bộ cho hệ thống truyền tải điện gắn với quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; sẵn sàng cung cấp đủ năng lượng cho các dự án đô thị hình thành trong tương lai.

NHẬT MINH