21:25, 16/01/2024

Chủ động giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Đ.LÂM

Ngày 16-1, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và địa phương về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024. Qua đó, sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể và mốc thời gian tương ứng trong thực hiện việc giải ngân vốn.

Sớm phân bổ hết nguồn vốn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh 7.669,13 tỷ đồng vốn đầu tư công; UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn được 5.386,158 tỷ đồng, còn 2.282,972 tỷ đồng chưa phân bổ. Ngay từ cuối năm 2023, Sở KH-ĐT đã có văn bản gửi các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đăng ký kế hoạch và báo cáo tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo định kỳ. Đồng thời, sở cũng chủ trì, tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT để bàn về việc xây dựng phần mềm theo dõi giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Đồng chí Trần Hòa Nam kết luận cuộc họp.
Ông Trần Hòa Nam kết luận cuộc họp.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương thực hiện hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận trong tháng 1 để phân bổ hết nguồn vốn Trung ương giao năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh khẩn trương rà soát, có văn bản đề xuất gửi Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 còn lại chưa phân bổ đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tháng 1; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ chi tiết nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với các chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp gần nhất. Bên cạnh đó, Sở KH-ĐT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị sớm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 35 của Tỉnh ủy về thống nhất danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để đủ điều kiện giao hết nguồn ngân sách địa phương trước ngày 30-6. 

Đối với các địa phương, UBND tỉnh cũng sớm yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án giá đất và quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, thực hiện chi trả bồi thường theo quy định, sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ và đảm bảo đúng chế độ chính sách, pháp luật nhưng vẫn cố tình khiếu nại không bàn giao mặt bằng nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trong năm 2024…

Nhiều giải pháp thực hiện

Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành và địa phương đã báo cáo cụ thể phương án giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, đa phần các chủ đầu tư đều thống nhất cần phải có những biện pháp phù hợp nhằm tăng tính hiệu quả trong thực hiện các dự án đầu tư công. Ông Lê Thành Trực - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, hiện nay, vướng mắc lớn nhất chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Để tháo gỡ vấn đề này, cần phải có cơ chế tái định cư, đền bù phù hợp. Bên cạnh đó, theo quy định, thời gian niêm yết phương án đền bù là 20 ngày nhưng thực tế nhiều dự án chỉ vài ngày là người dân đồng ý, cần linh động rút ngắn thời gian xuống. Vấn đề cưỡng chế cũng rất mất thời gian, vì vậy tốt nhất là vận động người dân, hạn chế áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đối với các dự án có nhiều vướng mắc, kéo dài quá lâu, cần có những chủ trương đặc biệt trong công tác bồi thường, đền bù mới có thể tháo gỡ được. 

Dự án đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa kết nối vào hệ thống đường ven biển của huyện Vạn Ninh sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Dự án đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa kết nối vào hệ thống đường ven biển của huyện Vạn Ninh sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh đề nghị giữa chủ đầu tư và các địa phương cần trao đổi thường xuyên hơn trong công tác triển khai dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư cần triển khai ngay việc giao mốc sơ bộ ngay từ đầu năm để các địa phương kiểm đếm thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn. Lâu nay thường đến tháng 5 mới giao mốc dự án, lúc này bắt đầu đến mùa mưa, rất khó thực hiện công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ông Trần Đức Thiên Phú - Trưởng phòng Tổng hợp, Quy hoạch của Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải đăng ký mốc giải ngân hàng tháng, đơn vị nào không đạt giải ngân hàng tháng, định kỳ sẽ kiểm tra và tổ chức cuộc họp chỉ đạo riêng.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Hòa Nam khẳng định, năm 2024 tỉnh sẽ không để bị động trong giải ngân vốn đầu tư công, không dồn vào cuối năm. Đồng chí yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh và các địa phương phải có sự phối hợp để sắp xếp các cuộc họp mang tính liên kết giữa các dự án trọng điểm và dự án đầu tư công; khi họp phải có tiến độ chi tiết. Ở mỗi cuộc họp, Sở KH-ĐT phải chuẩn bị báo cáo chi tiết về phần vướng mắc cần UBND tỉnh giải quyết; đối với những phần việc cần đôn đốc, chỉ đạo cũng kiến nghị để Văn phòng UBND tỉnh tham mưu ra văn bản. Sở KH-ĐT có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đối với phần vốn chưa được giao; giữ lại một phần vốn địa phương để phòng các tình huống phát sinh; tham mưu phân bổ nguồn vốn, tránh tình trạng dồn vào cuối năm, nếu không kịp điều chuyển thì phải tìm hướng để điều chuyển phù hợp, đúng quy định.

Ông Trần Hòa Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải làm việc với địa phương để thống nhất tiến độ giải phóng mặt bằng, sau đó gửi UBND tỉnh để văn phòng sắp lịch làm việc cụ thể. Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ sở pháp lý cho việc tách công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 1 dự án thành 2 hợp phần riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Đ.LÂM