21:04, 21/12/2023

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

ĐÌNH LÂM

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) lần 2, năm 2023 vào chiều 20-12, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây nhũng nhiễu, phiền hà cho DN. 

Kiến nghị nhiều về vấn đề quy hoạch, đất đai

Tại buổi đối thoại, hơn 150 DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã trao đổi, kiến nghị đến UBND tỉnh nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, vấn đề quy hoạch được nhiều DN kiến nghị. Ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang nêu vấn đề các DN sản xuất nước mắm đã nhiều lần kiến nghị đó là quy hoạch làng nghề nước mắm. Hiện nay, các DN nước mắm lớn trên địa bàn đã di dời cơ sở khỏi Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cũng đã có cơ sở sản xuất tại Ninh Thuận. Nếu không có quy hoạch làng nghề nước mắm, công ty với quy mô sản xuất 15.000 tấn nước mắm/năm cũng cần được biết để có phương án di dời cơ sở.

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội nghị.

Còn ông Trần Việt Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết triệt để và đúng pháp luật vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang tầm nhìn đến năm 2040. Cụ thể, đơn vị kiến nghị tỉnh xem xét về tính liên tục, thống nhất và kế thừa của quy hoạch Nha Trang trong tổng thể quy hoạch quốc gia theo Điều 4 Luật Quy hoạch năm 2017 để không chỉ đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh của tỉnh, mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Liên quan đến các thay đổi trong ưu đãi đầu tư, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng cho biết, năm 2016, tập đoàn có đề xuất đầu tư xây dựng một ngôi trường quốc tế trên địa bàn TP. Nha Trang và được tỉnh đề xuất khu đất giáo dục 5ha tại Khu đô thị Mỹ Gia. Vào thời điểm bấy giờ, theo chính sách xã hội hóa giáo dục của tỉnh thì nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nên không thuộc đối tượng đấu giá. Trong quá trình triển khai lập dự án đầu tư, tập đoàn đã chi trả một khoản tiền để đền bù giải tỏa khu đất nói trên. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chưa được giao đất. Gần đây, tỉnh có kế hoạch đưa khu đất vào đấu giá, đã làm thay đổi điều kiện đầu tư ban đầu đối với khu đất. Đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề xuất tiếp tục triển khai dự án với chính sách ưu đãi xã hội hóa trước đây và không phải đấu giá. Trường hợp tỉnh đấu giá thì tiền sử dụng đất rất cao, nhà đầu tư đề nghị được nhận lại số tiền đã bỏ ra bồi thường giải phóng mặt bằng dự án...

Vướng đến đâu, tập trung tháo gỡ đến đó

Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, sở đã tổng hợp được 151 ý kiến, kiến nghị của DN, trong đó có 134 kiến nghị đã được các sở, ban, ngành giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của DN, nhà đầu tư liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung; chính sách hỗ trợ các DN trong việc triển khai chương trình kích cầu du lịch... Sở cam kết luôn luôn đồng hành và tích cực trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết vấn đề DN quan tâm.

Ông Vũ Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Phong đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa), năm nay, đơn hàng xuất khẩu của một số DN lớn của tỉnh về ngành dệt may và thủy sản giảm từ 40 đến 60% so với năm 2022. Trong khi đó, hầu hết các DN chưa được tiếp cận hoặc khó tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Thông qua VCCI Khánh Hòa, các DN phản ánh, kiến nghị các vấn đề về thuế VAT, hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra DN; vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án; thủ tục xin phép mở rộng nhà máy sản xuất; thủ tục xin được cấp giấy phép xây dựng hoạt động bến thủy nội địa; giá thuê đất, thuê bãi biển; các vấn đề liên quan đến khó khăn về đơn hàng, đề xuất hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường; các dự án nhà ở xã hội; giải pháp cung cấp vật liệu thông thường; đề xuất xây dựng dự án thăm dò quản lý khai thác khoáng sản, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số dự án cần rà soát lại; triển khai kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… nên mong các DN chia sẻ với tỉnh vì thẩm quyền thuộc cấp trên. Đồng chí yêu cầu các cơ quan trong tỉnh giải quyết hồ sơ thủ tục của DN vướng đến đâu phải tập trung tháo gỡ đến đó, phải thực sự thông thoáng, tránh gây phiền hà cho các DN đến đầu tư. Đồng thời, các cơ quan tham mưu phải đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây nhũng nhiễu, phiền hà cho DN... Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với mục tiêu vì sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Riêng các dự án đầu tư tại khu vực đồi, núi, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, tỉnh sẽ xem xét kỹ lưỡng để khi triển khai dự án để vừa đảm bảo đúng quy hoạch, đảm bảo quyền lợi của DN và an toàn tính mạng của người dân sống xung quanh khu vực.

ĐÌNH LÂM