21:33, 07/11/2023

Ninh Sơn: Bí đỏ bí đầu ra

HỒNG ĐĂNG

Hiện nay, nông dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) như đang ngồi trên đống lửa vì hàng nghìn tấn bí đỏ đã đến lúc thu hoạch nhưng không thấy thương lái tới mua. Bí rớt giá thê thảm và tồn đọng đầy nương rẫy. Nông dân nơi đây mong muốn có sự chung tay “giải cứu” bí đỏ, giúp họ gỡ lại phần nào chút vốn liếng đã bỏ ra.

Bí ngổn ngang trên rẫy

Những cơn mưa đầu mùa khiến cho con đường lên rẫy bí của gia đình ông Nguyễn Châu Trinh ở thôn 5 trở nên khó đi hơn. Vượt qua khu dân cư và trèo thêm mấy triền dốc, trước mắt chúng tôi là những đồi bí đỏ bạt ngàn. Có đến hàng trăm héc-ta bí đỏ ở vùng này. Ông Trinh cho biết, năm nay, gia đình ông trồng 5ha bí, chủ yếu là giống bí đậu, sản lượng ước đạt 50 tấn quả, nhưng đến nay đã gần giữa vụ thu hoạch mà ông mới chỉ bán được 5 tấn. Số còn lại, nhiều đám đã quá lứa thu hoạch nhưng không ai hỏi mua dù giá chỉ còn 1/3 so với các năm trước. 

Ông Trinh lo lắng bởi bí không có người mua
Ông Trinh lo lắng bởi bí không có người mua.

Sáng 7-11, có mặt ở xã Ninh Sơn, trên con đường trục chính đi vào xã, chúng tôi bắt gặp những đống bí đỏ được chất đầy 2 bên đường. Hỏi ra mới biết đây là bí đỏ được nông dân thu hái từ trên rẫy về, tập kết ở đây để bán dần. Tất tả bốc những trái bí lên xe máy, ngược xuôi đến các chợ lân cận xã Ninh Sơn với tâm thế bán được chút nào hay chút ấy, bà Phi Linh (thôn 5) cho biết, bà có 25ha trồng bí ở vùng núi Suối 1. Các năm trước, đến dịp thu hoạch, gia đình bà cũng như các hộ trồng bí nơi đây hầu như không phải lo đầu ra. Người thu mua, xe ô tô ngược xuôi từ sáng sớm đến tận đêm khuya để mua bí. Mỗi ngày, bà bán được cả chục tấn. Bí hái tới đâu có người mua tới đó. Nhưng vụ này, tuy đã vào vụ được gần cả tháng mà người mua lèo tèo, bà phải chở từng xe máy, đi khắp các chợ để bán dạo. Tuy đã tìm mọi cách để tìm kiếm đầu ra, nhưng nhà bà hiện có hàng chục héc-ta bí đến lúc thu hái, chắc phải bỏ đi phần lớn vì không ai mua.

Khu vực tập kết bí đỏ của một hộ dân ở xã Ninh Sơn
Khu vực tập kết bí đỏ của một hộ dân ở xã Ninh Sơn.

Tìm hiểu được biết, sản lượng bí của xã Ninh Sơn gần cả chục nghìn tấn, nông dân đi bán dạo mỗi ngày 1 hộ giỏi lắm cũng chỉ được vài trăm ký, chẳng bõ bèn gì so với sản lượng chung. Theo người dân, bí bánh xe đang được bán với giá 2.800 đồng/kg, còn bí đậu chưa đầy 2.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với năm trước nhưng không ai mua.

Nhiều nguyên nhân

Theo người dân trồng bí, mỗi năm bí bán được với giá 6 - 8 nghìn đồng/kg. Người dân Ninh Sơn coi đây là vụ bí giúp họ cải thiện thu nhập, có thêm tiền mua sắm dịp cuối năm. Nhưng với tình cảnh này, hầu hết đang chịu thua lỗ. “Mỗi héc-ta bí đầu tư khoảng 15 - 20 triệu đồng, lúc bình thường có thể cho nông dân thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Nhưng năm nay hộ nào trồng càng nhiều càng thua lỗ nặng, hộ trồng lớn có thể mất hàng trăm triệu đồng. Tôi mong chính quyền, các hội, đoàn thể có thể chung tay hỗ trợ mua bí, góp phần giảm bớt thiệt hại cho nông dân trồng bí” - ông Nguyễn Châu Trinh chia sẻ.

Bà Linh phải tự chở từng xe bí đến các chợ bán dạo
Bà Linh phải tự chở từng xe bí đến các chợ bán dạo.

Theo ông Mai Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, qua thống kê, trên địa bàn xã có 250ha bí, tăng 70ha so với năm trước. Người dân chủ yếu trồng bí bánh xe, bí đậu, bí hồ lô… Ngoài con số thống kê, trên thực tế diện tích trồng bí của xã có thể lên tới hơn 400ha. Việc tăng đột biến diện tích trồng bí do nhiều yếu tố. Năm nay, hầu hết diện tích trồng keo trên địa bàn xã đến chu kỳ khai thác. Quá trình trồng lại keo, khi cây keo đang nhỏ, nông dân tận dụng trồng xen bí vào keo. Ngoài ra, các vụ trước, cây bí khá hiệu quả nên năm nay nông dân chuyển sang trồng nhiều.

Qua trao đổi với một số chủ vựa ở xã, chúng tôi được biết bí Ninh Sơn chủ yếu bán cho các tỉnh miền Nam, nhất là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên năm nay, nhiều tỉnh phía nam tăng diện tích trồng bí nên các thương lái không ra thu mua nhiều như các năm trước. Ngoài việc chủ động xoay xở, nông dân nơi đây đang cần sự chung tay từ các cấp hội, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm giúp họ vơi bớt phần nào thiệt hại, khó khăn. Về lâu dài, ngoài việc trồng trọt tuân thủ quy hoạch, kế hoạch, nông dân cũng cần tìm kiếm thị trường đầu ra đảm bảo ổn định trước khi quyết định tăng diện tích, sản lượng để hạn chế những thiệt hại như vụ bí đỏ này.

HỒNG ĐĂNG