Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã tích cực sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và ổn định kinh tế.
Điểm tựa cho người nghèo
Là hộ nghèo của xã Khánh Trung, đầu năm nay, gia đình chị Cao Thị Liên (sinh năm 1992) được vay vốn tín dụng chính sách 100 triệu đồng. Chị Liên đã dùng số vốn này để trồng 4ha keo, nuôi 2 con bò. Ngoài ra, vợ chồng chị còn đi làm thuê với số tiền công gần 400.000 đồng/ngày. “Tiền công đi làm thuê của vợ chồng tôi đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày và đóng tiền lãi, tiết kiệm hàng tháng. Còn trồng keo và nuôi bò để có nguồn thu nhập lâu dài về sau”, chị Liên chia sẻ.
Ông Bành Tạ Long chăm sóc vườn bưởi của gia đình. |
Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, những năm trước, gia đình ông Bành Tạ Long (xã Khánh Nam) đã đầu tư mua keo giống về trồng. Khi keo cho thu hoạch, gia đình ông tiếp tục sử dụng nguồn vốn quay vòng để trồng thêm một số cây ăn trái như: bưởi, cam… Thu nhập ngày càng ổn định nên từ một hộ nghèo của xã, đến năm 2016, gia đình ông đã thoát nghèo và hiện nay trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn.
Trên đây là 2 trong hàng nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Khánh Vĩnh được tiếp cận vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua. Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, NHCSXH đang triển khai 13 chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 31-10, tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn đạt hơn 270,6 tỷ đồng, với 7.356 khách hàng dư nợ. Trong đó, một số chương trình có số dư nợ lớn, cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Cụ thể như các chương trình cho vay vốn: ưu đãi hộ nghèo có dư nợ gần 70 tỷ đồng; hộ cận nghèo có dư nợ 33,3 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo dư nợ 5,2 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn dư nợ 82,3 tỷ đồng; các chương trình cho vay vốn hộ dân tộc thiểu số có tổng dư nợ hơn 2,7 tỷ đồng… Nhờ vào nguồn vốn này, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Bên cạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay kịp thời, NHCSXH huyện Khánh Vĩnh còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn và đoàn thể nhận ủy thác vốn vay thường xuyên tổ chức kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn, đối chiếu nợ, xử lý nợ quá hạn… Hiện nay, toàn huyện có 139 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ có các giải pháp tích cực nên kết quả thu hồi nợ đạt cao. Tính riêng trong 10 tháng năm 2023, doanh số thu nợ đạt 41,1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Hoan - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh cho biết, chất lượng tín dụng trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Trong đó, một số xã không phát sinh nợ quá hạn, như: Cầu Bà, Khánh Nam, Khánh Thượng, Liên Sang, Sông Cầu… Một trong những giải pháp làm tăng hiệu quả vốn tín dụng chính sách là giải ngân nguồn vốn kịp thời với thời vụ, tập quán sản xuất, giúp người dân phát triển vườn cây ăn quả; trồng mía, keo; chăn nuôi heo, trâu, bò. NHCSXH huyện Khánh Vĩnh luôn bám sát các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm bắt về các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục giải ngân kịp thời nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
MAI HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin