14:30, 25/11/2023

Khẩn trương quy hoạch và ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển

HẢI LĂNG

Sáng 25-11, tại TP. Nha Trang, Thứ trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân; Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch đồng chủ trì Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Các vị lãnh đạo chủ trì hội nghị
Các vị lãnh đạo chủ trì hội nghị
Quang cảnh tại hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành Thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10-2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội nghị

Về nuôi biển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín. Tuy nhiên, một số vấn đề khó khăn trong nuôi biển hiện nay như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Đó là chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn…. Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của thị trường Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết: Khánh Hòa là 1 trong 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Toàn tỉnh có hơn 97.000 lồng nuôi thủy sản, với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển của tỉnh chủ yếu là nuôi gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Trong khi đó, công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến định hướng phát triển giống, thức ăn thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển; cập nhật quy định, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với sản phẩm nuôi biển, nhất là các quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm; Công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch thủy sản nuôi biển; các quy định mặt nước nuôi biển và hướng phối hợp tháo gỡ các khó khăn trong giao mặt nước cho tổ chức, cá nhân nuôi biển; định hướng tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản (Cục Thủy sản) chia sẻ về định hướng phát triển giống, thức ăn thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản) chia sẻ về định hướng phát triển giống, thức ăn thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển

Bên cạnh đó, đại hiện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nuôi biển một số địa phương còn chia sẻ một số vấn đề liên quan đến những khó khăn trong tiêu thụ tôm hùm bông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên hiện nay; việc nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống nhân tạo; thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm; công nghệ thúc đẩy phát triển nuôi biển…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị: Trên cơ sở các khó khăn, thách thức trong phát triển nuôi biển đã được nhận diện, các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…

Hiện nay, đầu ra của tôm hùm bông, một sản phẩm nuôi biển chủ lực của Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ, thực hiện theo các quy hoạch quốc gia, ngành, tỉnh. Trong đó, các cơ quan quản lý địa phương, tổ chức đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, tiên phong đi đầu. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và nuôi biển (số hóa việc cấp mã số vùng nuôi, giải quyết thủ tục cấp phép, giám sát hoạt động…).

HẢI LĂNG