21:20, 03/11/2023

Đề xuất tăng vốn tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11

MAI HOÀNG

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa vừa tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH trình Trung ương xin tăng thêm nguồn vốn để thực hiện Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Hàng ngàn người dân được thụ hưởng chính sách

Nghị quyết số 11 của Chính phủ được coi là một trong những giải pháp tạo động lực và sức bật cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Bởi vậy, ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 11 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp hàng ngàn gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) thu hoạch mướp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) thu hoạch mướp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hạ, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) là một trong những hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11. Nhiều năm qua, nguồn thu nhập của gia đình bà Tuyết chủ yếu từ tiệm tạp hóa nhỏ, trồng rau màu và nuôi bò. Năm 2022, gia đình bà vay 50 triệu đồng được ủy thác qua Hội Phụ nữ. Với số vốn này, bà nhập thêm hàng, mở rộng tiệm tạp hóa; đồng thời đầu tư trồng mướp, cho thu hoạch khoảng 1 tạ/ngày, mang lại thu nhập hơn 500.000 đồng/ngày. Nhờ đó, kinh tế gia đình bà ổn định hơn. Theo số liệu của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh, đến nay, dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn huyện đạt gần 26,5 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có dư nợ lớn nhất, đạt 23 tỷ đồng.   

Tính đến ngày 30-10, chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn tỉnh có dư nợ hơn 211,8 tỷ đồng với 5.297 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó, chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến có dư nợ gần 2 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội 38,8 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ tạo việc làm đạt 170 tỷ đồng; chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập dư nợ 588 triệu đồng; chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến 2025, hiện có dư nợ 440 triệu đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43, từ ngày 1-1-2022 đến 30-9-2023, NHCSXH tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 39,8 tỷ đồng.

Đề xuất tăng thêm hơn 203,8 tỷ đồng

Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, NHCSXH tỉnh đã tổng hợp báo cáo Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phê duyệt trình Trung ương đề xuất tăng thêm hơn 203,8 tỷ đồng vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 11. Trong đó, chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng 200 tỷ đồng, chương trình cho vay nhà ở xã hội tăng 2 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 của Chính phủ tăng 2,7 tỷ đồng. Đồng thời, chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đề xuất điều chỉnh giảm 265 triệu đồng và chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giảm 509 triệu đồng do hộ vay trả nợ theo phân kỳ và không còn nhu cầu vay vốn. Khi được tăng thêm nguồn vốn, nhiều đối tượng sẽ tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết số 11, đặc biệt là số người lao động đang chờ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm rất lớn.

Để chính sách phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay rà soát đối tượng thụ hưởng; thường xuyên chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND cấp xã thông báo công khai trên đài phát thanh về đối tượng, điều kiện được vay vốn, lãi suất vay, quy trình thủ tục vay vốn để người dân có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; triển khai giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

MAI HOÀNG