21:41, 05/10/2023

Thủy sản nuôi bị chết bất thường

HẢI LĂNG

Thời gian vừa qua, hàu, cá chim vây vàng của người dân nuôi trong đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa), tôm hùm nuôi tại khu vực xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) bỗng dưng bị chết bất thường. Do đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác định nguyên nhân và có những khuyến cáo cụ thể đến người nuôi.

Một góc vùng nuôi hàu tại khu vực Hòn Giữa - đầm Nha Phu bị thiệt hại nặng.
Một góc vùng nuôi hàu tại khu vực Hòn Giữa - đầm Nha Phu bị thiệt hại nặng.

Một số vùng thiệt hại

Những ngày này, ông Hà Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang cùng với các nhân công trên những bè nuôi của công ty tại khu vực Hòn Giữa - đầm Nha Phu (thuộc thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, Ninh Hòa) đang xuống giống để nuôi lại sau khi 100% hàu nuôi vừa bị chết bất thường. “Giữa tháng 9, khoảng 80 tấn hàu nuôi từ 1 đến 7 tháng tuổi của chúng tôi bỗng nhiên bị chết hết trong vòng 7 ngày khiến công ty mất trắng hơn 1 tỷ đồng. Không riêng gì bè nuôi hàu của công ty, khoảng 80 hộ nuôi hàu, cá chim vây vàng cũng bị thiệt hại, tỷ lệ hàu chết từ 70 đến 100%, cá chết từ 30 đến 40%. Bè nuôi hàu của ông Phan Tấn Trí bên cạnh bè nuôi của công ty cũng bị chết đến 10 tấn hàu. Chưa bao giờ chúng tôi thiệt hại nặng như vậy”, ông Khoa nói.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy mẫu hàu chết không phát hiện bị nhiễm khuẩn Perkinsus (loại ký sinh trùng gây bệnh trên nhuyễn thể); phát hiện có nhiễm khuẩn Vibrio ssp (vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản) nhưng ở mức độ thấp, trong ngưỡng cho phép. Hầu hết các chỉ số môi trường nước đều nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ có lượng ôxy hòa tan thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép nuôi hàu và nồng độ khí độc N-NO2 cao hơn ngưỡng giới hạn. Do ảnh hưởng của hiện tượng chuyển mùa, chiều và tối thường xảy ra mưa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, kết hợp với lượng ôxy hòa tan thấp, trong khi nồng độ khí độc N-NO2 cao, khoảng cách giữa các lồng bè nuôi không đảm bảo có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàu nuôi tại đầm Nha Phu chết nhiều.   

 

Hàu nuôi tại bè của Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang bị hoàn toàn
Hàu nuôi tại bè của Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang bị chết hoàn toàn.


Còn theo thông tin từ Trạm Kiểm ngư Cam Ranh - Cam Lâm - Trường Sa (Chi cục Thủy sản), cuối tháng 9, tại vùng nuôi Tàu Bể (xã Cam Lập, Cam Ranh) đã xảy ra hiện tượng tôm hùm nuôi chết bất thường. Có 4 hộ nuôi bị thiệt hại với 47 lồng nuôi tôm từ 5 đến 7 tháng tuổi, tỷ lệ chết khoảng 40%; 24 lồng mới thả tôm giống có tỷ lệ chết rất cao, từ 50 đến 100%.

Ông Đặng Ngọc Thạnh - người nuôi tôm hùm bị thiệt hại kể: “Gia đình tôi có 17 lồng nuôi tôm hùm 6 tháng tuổi bị chết hơn 40% và 8 lồng mới thả nuôi tôm giống bị chết 100%. Thời điểm tôm chết, chúng tôi phát hiện có 1 luồng nước màu đỏ dài khoảng 600m, rộng chừng 200m, cách bờ khoảng 600m, nghi do hiện tượng tảo nở hoa. Những hộ bị thiệt hại đều có lồng nuôi nằm trong khu vực luồng nước màu đỏ này. Khi phát hiện, một số hộ đã nhanh chóng sục khí ôxy vào trong lồng nuôi thì giảm được tỷ lệ tôm chết. Khi luồng nước màu đỏ này hết thì không còn hiện tượng tôm chết bất thường. Hiện nay, để bảo vệ tôm nuôi, chúng tôi luôn duy trì sục khí ôxy vào lồng nuôi”.

Cần tuân thủ các khuyến cáo

Dự báo từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, có nhiều thay đổi về sinh hóa bất lợi đối với nuôi trồng thủy sản, nhất là ở các vùng nuôi chịu ảnh hưởng của nước ngọt, rất dễ dẫn đến tình trạng thủy sản nuôi bị chết. “Chúng tôi đã hướng dẫn người nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn Cam Ranh các giải pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi để tránh thiệt hại do biến động thời tiết. Cụ thể như đối với lồng nuôi, người dân cần nâng cao lồng, đặt lồng ở giữa cột nước để tránh thiếu ôxy cục bộ; vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng cường trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, sự phân tầng nước, sức khỏe tôm nuôi để chủ động ứng phó. Khi sử dụng thức ăn tươi, người nuôi cần đảm bảo chất lượng, sát trùng; định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm; giảm lượng thức ăn cho tôm hùm trong những ngày diễn biến thời tiết thất thường để tránh dư thừa, gây ô nhiễm…”, ông Phan Ngọc Tấn - Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Cam Ranh - Cam Lâm - Trường Sa cho biết.  

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trong quá trình nuôi, người dân cần tuân thủ nuôi đúng vùng quy hoạch. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường, thủy sản chết, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời; khi thủy sản chết bất thường, cần thu gom, đưa vào bờ xử lý, không được xả trực tiếp ra vùng nuôi, gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần chú ý tuân thủ kê khai ban đầu, đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi, các giải pháp phòng, trị bệnh thủy sản theo hướng dẫn; duy trì mật độ nuôi phù hợp, không nên thả giống khi thời tiết bất lợi, các chỉ số môi trường không phù hợp…

Trước đó, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi; theo dõi chặt chẽ diễn biến và môi trường vùng nuôi; ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm đối với vùng nuôi thủy sản trên biển. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết cần hướng dẫn ngay người nuôi cách xử lý, khắc phục kịp thời; không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thủy sản chết sang vùng nuôi khác…

HẢI LĂNG