Một thời gian dài, mía là cây trồng chủ lực trên những vùng đất khô hạn tại thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, với phương pháp canh tác cũ, năng suất, chất lượng cây mía có xu hướng giảm dần. Vì vậy, mới đây, đề tài cải tiến phương pháp canh tác cây mía, trong đó thực hiện đào hố, rãnh để trồng mía đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là ở những vùng không chủ động được nước tưới.
Mía là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn diện tích mía đang được trồng ở những vùng đất khô hạn, không chủ động được nước tưới. Ước tính trong 10.000ha mía hiện nay, chỉ có khoảng 20% diện tích đảm bảo được nước tưới, phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Trong điều kiện mưa thuận lợi, cây mía cho năng suất khoảng 60 tấn/ha. Trong điều kiện khô hạn, năng suất mía vùng không chủ động nước tưới thường đạt dưới 60 tấn/ha.
Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài cho biết, để góp phần giúp người trồng mía có thêm lựa chọn về phương pháp canh tác, chi cục đã triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình trồng mía phù hợp trên từng vùng đất khô hạn tại thị xã Ninh Hòa” trên cơ sở kế thừa quy trình trồng mía của Công ty TNHH Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cải tiến phù hợp với điều kiện canh tác của vùng mía Ninh Hòa. Đề tài triển khai từ tháng 3-2021 tại vùng mía thôn Buôn Lác (xã Ninh Tây, Ninh Hòa) với giống mía KK3 (Khonkaen 3). Sau hơn 2 năm triển khai, kết quả đạt được rất khả quan, nhất là các giải pháp nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cây mía đường trong điều kiện thời tiết bất lợi ở những khu vực không chủ động được nước tưới.
Nông dân Ninh Hòa thu hoạch mía. |
Nhiệm vụ chính của đề tài là xác định được mật độ trồng mía hố và xác định được độ sâu của rãnh trồng mía phù hợp cho vùng đất khô hạn tại thị xã Ninh Hòa; xây dựng 2 mô hình trồng mía hố và mía theo rãnh sâu, mỗi mô hình có diện tích 5.000m2 đảm bảo đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 20% so với canh tác theo phương pháp thông thường.
Qua các thử nghiệm về độ sâu và số lượng hom giống trong mỗi hố, cơ quan chuyên môn đã xác định được mô hình hiệu quả nhất. Cụ thể: Đối với mía hố, mỗi hố cần có độ rộng 60cm; dài 60cm; sâu 50cm; khoảng cách giữa các hố là 1,1m. Với quy cách đó, 1ha có thể trồng được 5.000 hố mía, mỗi hố thả trồng 14 hom giống. Qua triển khai, mía hố cho năng suất 71,9 tấn/ha và đặc biệt phù hợp với những vùng mía trên đồi dốc. Đối với mía rãnh, qua thử nghiệm độ sâu khác nhau của rãnh, cơ quan chuyên môn xác định phương pháp canh tác tối ưu, đó là đào rãnh sâu 50cm; rãnh này cách rãnh kia 1,3m; 1ha mía thả 9 - 10 tấn giống. Phương pháp trồng mía rãnh sâu cho năng suất 71,6 tấn/ha, phù hợp ở những vùng mía bằng phẳng. Cả 2 phương pháp trồng hố và rãnh sâu đều đạt năng suất cao hơn lần lượt là 25,5% và 25% so với vùng mía đối chứng trồng theo phương pháp truyền thống ở khu vực lân cận; qua đó giúp tăng tỷ suất lợi nhuận đạt 1,5 lần so với thông thường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng mía. Đặc biệt, cả 2 phương pháp này ngoài việc lưu giữ chất dinh dưỡng tốt hơn, còn có khả năng giữ nước lâu hơn so với thông thường, giúp đảm bảo độ ẩm cho cây mía phát triển và hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho những vùng mía không chủ động được nước tưới.
Ông Trần Thiện Hùng cho biết, trên cơ sở phê duyệt và công bố kết quả đề tài của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua, chi cục đang tổ chức chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng phương pháp canh tác này vào thực tiễn; đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển của đối tượng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn nữa quy trình trồng mía trên vùng đất khô hạn tại thị xã Ninh Hòa nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung. Trước mắt, đơn vị sẽ triển khai hội nghị tham quan đầu bờ, tập huấn cho 80 hộ dân tại Ninh Hòa về quy trình trồng mía hố và quy trình trồng theo rãnh sâu phù hợp cho vùng đất khô hạn.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin