Tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện nay, con giống tôm hùm khai thác từ tự nhiên trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu của người nuôi, số còn lại phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Từ đầu tháng 7 đến nay, việc nhập khẩu tôm hùm giống về tỉnh bị tạm ngưng khiến cho nguồn tôm hùm giống càng khan hiếm.
Thiếu con giống
Những ngày qua, ông Đỗ Thành Châu (Tổ dân phố Linh Thương, phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) tìm đỏ mắt vẫn không có tôm hùm giống để thả nuôi. Ông Châu cho biết: “Nguồn cung tôm hùm giống bị đứt từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 đến nay. Gia đình tôi có 500 lồng nuôi tôm hùm, trong đó có 200 lồng thả nuôi từ đầu năm, 300 lồng sau khi thu hoạch xong thả nuôi tiếp nhưng thiếu giống. Trong tháng 7, tôi phải chấp nhận mua 50.000 con giống trôi nổi để thả nuôi trong 100 lồng, còn 200 lồng đang bỏ trống”.
Một góc vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh. |
Không riêng gia đình ông Châu, tại các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn Cam Ranh, tình trạng thiếu giống tôm hùm đang khiến cho nhiều hộ nuôi phải treo lồng. Theo ước tính của Trạm Kiểm ngư Cam Ranh - Cam Lâm - Trường Sa, trên địa bàn Cam Ranh có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm xanh. Tôm hùm được thả nuôi theo kiểu gối đầu quanh năm, cứ thu hoạch, vệ sinh lồng bè xong, người nuôi lại tiếp tục tìm mua tôm giống về thả nuôi. Do khan hiếm giống nên đến nay vẫn còn khoảng 10.000 lồng nuôi bỏ không, ước lượng số tôm giống cần khoảng 5 triệu con.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, do chưa chủ động sản xuất giống tôm hùm nên nguồn giống cung cấp cho người nuôi chủ yếu khai thác tại các vịnh, đầm trong tỉnh, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu; 85% số lượng giống còn lại được thu mua từ nguồn khai thác tự nhiên ở các tỉnh Nam Trung Bộ và nhập khẩu từ các nước lân cận. Nguồn tôm hùm giống hiện nay phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài nên một khi có biến động thì nguồn cung sẽ bị đứt. Không riêng vùng nuôi ở Cam Ranh, ở các vùng nuôi khác trên địa bàn tỉnh như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang cũng đang thiếu hụt nguồn tôm hùm giống do thời gian qua, người dân thu hoạch rộ tôm hùm nên nhu cầu thả nuôi trở lại lớn.
Kiến nghị cho phép nhập khẩu trở lại
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ các nước về Việt Nam bị gián đoạn vì tôm hùm giống do một số công ty trên địa bàn tỉnh nhập khẩu về bị phát hiện nhiễm vi rút gây bệnh. Cụ thể, qua giám sát, cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y), từ ngày 21 đến 30-6, có 5 lô hàng của 3 công ty trên địa bàn tỉnh nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia bị phát hiện nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng. Để ngăn ngừa tôm giống không đảm bảo sạch bệnh nhập khẩu vào Việt Nam, việc cấp phép nhập khẩu tôm hùm giống từ nước có lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam đã bị tạm dừng. Đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu không nhập khẩu tôm hùm giống từ các nhà cung cấp, đối tác đã có lô hàng dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng… Từ đầu tháng 7 đến nay, không có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm giống về theo dõi, cách ly tại tỉnh.
Tôm hùm được nuôi bằng lồng chìm trên vịnh Cam Ranh. |
Do không có giống tôm hùm nhập khẩu chính ngạch, được kiểm soát tốt dịch bệnh nên nhiều người nuôi ở Cam Ranh chấp nhận mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc với giá cao, khoảng 44.000 đồng/con tôm hùm xanh (trước đó chỉ 38.000 đồng/con). Cũng chính nguồn giống trôi nổi, không được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh nên tỷ lệ tôm bị hao hụt trong những ngày đầu thả nuôi cao. Như trường hợp gia đình ông Đỗ Thành Châu thả nuôi 50.000 con trong tháng 7, sau khoảng 15 ngày thả nuôi đã hao hụt hơn 40% (tôm nhập khẩu chính ngạch, tỷ lệ hao hụt chỉ 5 - 7%). Ông Châu kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm cho phép nhập khẩu tôm hùm giống chính ngạch về Khánh Hòa để có đủ nguồn tôm giống được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân”.
Cũng theo ông Võ Khắc Én, tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh, với khoảng 65.000 lồng nuôi, sản lượng mỗi năm hơn 1.300 tấn. Việc đảm bảo tôm giống chất lượng, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tỉnh là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm phát triển bền vững nghề nuôi này. Trước nhu cầu tôm giống hiện nay, các cơ quan chức năng cấp trên cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước về Khánh Hòa để phục vụ nghề nuôi trong tỉnh.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin