21:57, 24/07/2023

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết ngành Kế hoạch và Đầu tư 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng (GRDP) năm 2023 đạt 8,78%.

Thu hút đầu tư hiệu quả

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thông qua được các quy hoạch quan trọng; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quốc gia; các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. UBND tỉnh đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều tập đoàn lớn; qua đó thu hút được 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký gần 4.078 tỷ đồng. Tỉnh thu hút được 2 dự án tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, với tổng vốn đăng ký 73 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án, với tổng vốn đăng ký thêm gần 21.570 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng tổ chức thành công hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với 16 nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực phát triển công nghệ, sản xuất phần mềm, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng.

Một góc Cảng Cam Ranh.
Một góc Cảng Cam Ranh.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch kích cầu, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại những nước có tiềm năng. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, trong đó tăng cường xúc tiến, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch đối với các thị trường khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Australia, Ấn Độ... Đặc biệt, việc tổ chức thành công chuỗi sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, như: Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh; Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023; Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023... đã góp phần quảng bá văn hóa, con người cũng như hình ảnh du lịch tỉnh Khánh Hòa đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8,78%

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế do các quy hoạch quan trọng mới được phê duyệt, hoặc đang trong quá trình thẩm định - phê duyệt, như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Đồ án Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Thu ngân sách nhà nước giảm, đạt 50,1% dự toán và bằng 89,7% so với cùng kỳ năm trước; kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chủ yếu do thủ tục đầu tư còn chậm, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8,78%, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh…

Hoạt động sản xuất ở Tổng Công ty Khánh Việt.

Ông Lê Hữu Hoàng cho biết, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương một số vấn đề. Đó là, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các chính sách về tín dụng, điều chỉnh giảm thuế, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Về đầu tư công, tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng (các dự án thiết bị chuyên ngành y tế, thiết bị chuyên ngành giáo dục, thiết bị chuyên ngành khoa học công nghệ). Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,86% (đứng thứ 9 trên cả nước và thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,36% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 3,1%; doanh thu du lịch tăng gấp 2,3 lần; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 7,3%... Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 28,9% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 39,6% kế hoạch vốn thực tế tỉnh giao.

ĐÌNH LÂM