6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tiếp đưa ra các chính sách điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và người dân. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:
Ông Đỗ Trọng Thảo. |
- Trong hơn 2 tháng đầu năm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN và người dân, từ tháng 3 đến tháng 6, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm. Cụ thể, giảm 1,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn (từ 6%/năm xuống 4,5%/năm) và lãi suất tái chiết khấu (từ 4,5%/năm xuống 3%/năm); giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN (từ 7%/năm xuống 5%/năm). Tiếp đến, NHNN ban hành quyết định giảm tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; giảm 1,25%/năm lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng (từ 6%/năm xuống 4,75%/năm). NHNN cũng giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (giảm từ 5,5%/năm xuống 4%/năm).
Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Với các giải pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần.
- Xin ông cho biết mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã thay đổi như thế nào sau các điều chỉnh của NHNN?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lãi suất huy động VND của khối ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3,4 - 4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 5 - 5,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 6,3 - 6,8%/năm. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,1 - 4,75%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 6,5 - 7,8%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 7,1 - 8,2%/năm. Lãi suất cho vay VND các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 4%/năm, trung dài hạn 8,5 - 9,5%/năm. Khối ngân hàng thương mại nhà nước cho vay vốn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 8 - 9,4%/năm, trung và dài hạn 10 - 10,5%/năm; khối ngân hàng TMCP cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 9,2 - 12,5%/năm, trung và dài hạn 11 - 13%/năm.
So với đầu năm, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã giảm, lãi suất huy động ở các kỳ hạn giảm từ 0,4 đến 1,5% ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, khối ngân hàng TMCP giảm từ 0,5 đến 1,6%; cho vay sản xuất, kinh doanh giảm từ 1,5 đến 2% đối với khối ngân hàng thương mại nhà nước và từ 0,5 đến 1,8% đối với khối ngân hàng TMCP.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở TP. Nha Trang. |
- Các lần điều chỉnh lãi suất của NHNN đã tác động như thế nào đến hoạt động tín dụng trên địa bàn, thưa ông?
- Các đợt điều chỉnh lãi suất của NHNN, cùng với việc các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi bằng các hành động cụ thể kết nối ngân hàng DN; cho vay bình ổn thị trường… nếu tổ chức thực hiện tốt, đúng cam kết và trách nhiệm sẽ hỗ trợ DN và tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn, mang lại nhiều ý nghĩa và tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Tuy lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giảm theo định hướng của NHNN nhưng thực tế cho thấy, những khó khăn của nền kinh tế đã làm giảm sức hấp thụ vốn của DN. Đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 120.370 tỷ đồng, tăng 5,15% so với đầu năm. Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn, thường có những hạn chế khi tiếp cận vốn ngân hàng, như: Quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, khả năng liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế; thông tin về tình hình tài chính còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của tổ chức tín dụng để đánh giá thực chất tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN... Bên cạnh đó, các vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu DN vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Để hỗ trợ DN trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất tạo đà tăng trưởng tín dụng, ngành Ngân hàng đang tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022 của NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các TCTD đã cho 16 khách hàng DN vay hỗ trợ lãi suất với số tiền lãi hỗ trợ là 4,65 tỷ đồng, tổng doanh số hỗ trợ lãi suất đến ngày 31-5 gần 1.465 tỷ đồng. Các TCTD tiếp tục cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 11 khách hàng với hơn 400 tỷ đồng nợ gốc và gần 31,8 tỷ đồng nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Các TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 9%) cho 77 lượt khách hàng với dư nợ gần 74,8 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin