21:17, 09/07/2023

Doanh nghiệp dệt may gặp khó

Đ. LÂM

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng, doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may gặp khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động. Từ nay đến cuối năm, vẫn chưa có tín hiệu khả quan cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Đơn hàng sụt giảm

Dệt may là một trong những lĩnh vực chủ lực đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, hàng dệt may chỉ xuất khẩu được 41,2 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do căng thẳng Nga - Ukraine đã kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế thế giới, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các DN sản xuất. Bên cạnh đó, thiệt hại do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và lực lượng lao động của ngành dệt may. Hàng loạt các tín hiệu tiêu cực khác như: kinh tế thế giới suy giảm, tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng… đã đẩy nhu cầu về hàng dệt may giảm theo trong năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường nhập khẩu chính của DN dệt may Khánh Hòa (Mỹ và châu Âu).

Ông Võ Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp (FLD Việt Nam) cho biết: “Dịch Covid-19 được kiểm soát, DN mới phục hồi sản xuất thì lại bị ảnh hưởng bởi suy thoái, lạm phát toàn cầu. Đơn hàng mà công ty đã ký với các đối tác ở Mỹ đến tháng 6-2023 đã bị cắt do dừng tiếp nhận hàng. Để duy trì việc làm, thu nhập cho gần 1.000 công nhân, công ty phải nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác khác, chú trọng sản xuất hàng may mặc phục vụ thị trường trong nước và châu Âu. Tuy nhiên, hoạt động may mặc đang đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. Dự kiến đến tháng 8, công ty sẽ hết đơn hàng và phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên”.

Còn lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm, đơn hàng của công ty đã giảm từ 40 đến 50% so với cùng thời điểm năm 2022; người lao động phải nghỉ việc luân phiên. Các năm trước, đến hết quý II, công ty đã nhận đơn hàng sản xuất cho các tháng cuối năm, thậm chí là đơn hàng của năm sau. Tuy nhiên, hiện nay, đơn hàng chỉ đủ làm từng tháng. 

Bộ phận dệt tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Tương tự, Xí nghiệp May Khatoco đang khan hiếm đơn hàng. Dù chưa phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên song doanh thu bị sụt giảm rất nhiều so với năm trước. Để đảm bảo việc làm cho người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm nguồn hàng gia công, nhưng đơn giá cũng bị giảm sâu so với các năm trước, bởi có quá nhiều DN cạnh tranh. 

Nỗ lực vượt khó

Các chủ DN dệt may trên địa bàn tỉnh nhận định, trong quý III/2023, tình hình vẫn không mấy khả quan đối với kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng. Suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã khiến nhu cầu của các thị trường nhập khẩu dệt may lớn, như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… sụt giảm. Bên cạnh đó, dệt may còn tiếp tục gặp khó khi chi phí đầu vào tăng, mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN vẫn ở mức cao, còn thiếu các chính sách hỗ trợ DN.

Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp May Khatoco.

 Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang tập trung tối ưu hóa hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời; đa dạng sản phẩm, tìm kiếm thêm các thị trường mới. Xí nghiệp May Khatoco đẩy mạnh tìm nguồn hàng gia công để tạo việc làm cho người lao động, qua đó giữ ổn định nhân lực sẵn sàng cho các đơn hàng năm sau. “Các DN dệt may dù gặp khó khăn vẫn cố gắng chủ động, linh hoạt, thích ứng trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu ổn định được tài chính, duy trì bộ máy sản xuất, đặc biệt là đảm bảo việc làm, đời sống cho toàn thể người lao động”, ông Võ Sơn chia sẻ.

Tại hội nghị đối thoại mới đây của Sở Công Thương với DN xuất khẩu nói chung, dệt may nói riêng, sau khi nghe những khó khăn mà các DN đang gặp phải, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương đã yêu cầu bộ phận chuyên môn của sở cung cấp thông tin tham tán thương mại tại các nước để DN chủ động liên hệ về tiếp cận thị trường. Bà Cúc cho biết, Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện kết nối DN với thị trường các nước cũng như cơ quan liên quan trong lĩnh vực thương mại; đồng thời hỗ trợ DN khai thác các hiệp định thương mại, thông qua đại sứ, tham tán ở các nước để đẩy mạnh xuất nhập khẩu. 

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 DN dệt may. Trong số đó, đa phần sản phẩm của các DN lớn, như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Xí nghiệp May Khatoco, Công ty TNHH Một thành viên Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp... đều phục vụ cho xuất khẩu. Các thị trường chính là Mỹ (hơn 50%), châu Âu, Ả Rập, Canada và Hàn Quốc. Đây là lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều lao động nữ. Tính đến thời điểm hiện tại, dệt may sử dụng hơn 7.500 lao động, chiếm khoảng 14% tổng số lao động của ngành công nghiệp.

Đ. LÂM