Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của tỉnh chỉ đạt 39,6% so với vốn thực tế tỉnh giao. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên vào cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư của các dự án.
Vướng ở khâu giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh hơn 7.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 6, tỉnh đã phân bổ gần 4.807 tỷ đồng (chiếm 68,5%); số còn lại chưa phân bổ hơn 2.207 tỷ đồng (chiếm 31,5%). Tính đến ngày 20-6, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 của tỉnh đạt 19%, ước tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 28,9% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; ước đạt 39,6% so với kế hoạch vốn thực tế do tỉnh giao.
Qua rà soát, toàn tỉnh vẫn còn 18 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh, trong đó có một số đơn vị chưa giải ngân được vốn. Đặc biệt, các dự án có số vốn lớn gặp rất nhiều khó khăn trong giải ngân. Trong số 14 dự án được giao kế hoạch vốn lớn thì có đến 12 dự án chậm giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư của các dự án thực hiện chậm. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ cũng gặp nhiều vướng mắc.
Thi công Nhà máy xử lý nước thải phía bắc thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang. |
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “6 tháng, tiến độ giải ngân của ban quản lý chưa đạt yêu cầu đề ra, mong rằng trong tháng 7 sẽ giải phóng được mặt bằng các dự án để thi công. Ví dụ như Dự án đường D30 nhiều năm không giải phóng được mặt bằng, mới đây phải lên phương án cưỡng chế và nhiều hộ dân đã giao đất. TP. Nha Trang đã lên nhiều phương án tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn”.
Bà Lê Vinh Liên Trang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiến nghị, để các dự án có thể giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Sở Khoa học và Công nghệ có 2 dự án (ở Diên Khánh và Nha Trang), nhưng từ năm 2022 đến nay không thể triển khai được vì giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; đối với phần đất vắng chủ không thể tiến hành bàn giao được mặt bằng, còn các phần đất có chủ thì các hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù.
Tăng cường các giải pháp
Nhằm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường tổ chức các cuộc họp nghe các chủ đầu tư báo cáo tình hình và tiến độ giải ngân các dự án, trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư của các dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Nha Trang để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.
Ông Nguyễn Phương Huy - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, các chủ đầu tư cần phải có cam kết cụ thể với tỉnh về tỷ lệ giải ngân theo mốc thời gian cụ thể. Các trường hợp chậm giải ngân theo thời gian cam kết từ 2 tháng trở lên cần có hình thức xử lý kịp thời; đề nghị UBND tỉnh chia tỷ lệ giải ngân theo nhóm, những đơn vị nào đợt họp trước không giải ngân được nhưng kỳ họp sau vẫn không tiến triển thì phải xử lý ngay.
Nhà máy xử lý nước thải phía bắc thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang. |
Trong cuộc họp với các sở, ban, ngành, chủ đầu tư về việc giải ngân vốn đầu tư công mới đây, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, để đạt được mục tiêu giải ngân từ 95% vào cuối năm, các đơn vị phải cố gắng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chỉnh vốn đối với các dự án không thực hiện được nhiệm vụ đầu tư, không có khả năng giải ngân hết vốn; điều chuyển, bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2023; tổng hợp vướng mắc, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đề án nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương 1.000 tỷ đồng; tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn ODA cấp phát và vay lại của Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án giảm nghèo bền vững để kịp thời phân bổ hết vốn dự kiến giao trong năm 2023.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin