23:48, 13/06/2023

Nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng”

HẢI LUẬN

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngư dân trong tỉnh Khánh Hòa tích cực chấp hành Quyết định số 81 ngày 13-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản của nước ta.

Phải tuân thủ các quy định

Những ngày này, tại cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang) có rất nhiều tàu đánh cá xa bờ cập cảng bán cá; rồi lấy nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm... chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Ông Ngọc Tùng (chủ tàu cá ở xã Phước Đồng, Nha Trang) cho biết: “Tàu câu cá ngừ đại dương vào sớm mấy ngày, bây giờ đến lượt tàu lưới cản, lưới vây, mành chụp vào cập cảng bán cá. Năm nay, nghề lưới cản làm ăn được. Chuyến biển vừa rồi tàu tôi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, trừ chi phí, còn lãi khoảng 100 triệu đồng”. Thấy ông Tùng đang phấn chấn, tôi chuyển sang hỏi ngư dân chấp hành các quy định chống khai thác IUU. Ông Tùng chia sẻ: “Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngư dân, vì châu Âu hạn chế nhập khẩu nên giá cá rẻ. Hơn ai hết, ngư dân tự bảo vệ “nồi cơm” của chính mình, bằng cách thực hiện đầy đủ các quy định, không vi phạm vùng biển của các nước, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ, không sử dụng người chưa đủ tuổi lao động trên tàu cá...”.

Tàu đánh cá xa bờ trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tàu đánh cá xa bờ trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tàu của ông Tùng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kết nối với hệ thống quản lý tàu cá của ngành thủy sản. Mỗi khi tàu ra biển sẽ có hai kênh để theo dõi, giám sát hoạt động: Chi cục Thủy sản, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và chủ tàu cá ở đất liền giám sát thuyền trưởng. Ông Tùng lấy điện thoại ra, bấm vào phần quản lý tàu đánh cá giải thích: “Trong hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nhà cung cấp đã cài sẵn đường ranh giới vùng biển của Việt Nam với các nước tiếp giáp. Tàu cá đến gần đường ranh giới khoảng 7 hải lý, máy đã báo động “tít, tít, tít”, thuyền trưởng phải cho tàu quay mũi trở vào. Nếu cố tình vi phạm, lực lượng Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng sẽ gọi điện trực tiếp ra tàu hoặc báo cho chủ tàu nhắc nhở thuyền trưởng. Nếu vẫn phớt lờ "cảnh báo đỏ” sẽ bị phạt rất nặng; ở một số tỉnh đã có tàu bị phạt 1 tỷ đồng, có nước dẹp nghề luôn”.

Tàu cập cảng Hòn Rớ bán cá.
Tàu cập cảng Hòn Rớ bán cá.

Đến nay, toàn tỉnh có 673/678 tàu đánh bắt xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (trong 5 tàu còn lại chưa lắp có 4 tàu nằm bờ không đủ khả năng hoạt động, 1 tàu ngân hàng siết nợ). Theo quy định, lực lượng chức năng phải kiểm tra thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra, vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương; tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; đảm bảo hồ sơ, biên bản kiểm tra, giám sát được thực hiện tuân thủ quy trình theo quy định, có sự kiểm tra đối chiếu với dữ liệu giám sát tàu cá.

Xử phạt nặng những tàu vi phạm

Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chính quyền các địa phương và ngành thủy sản, lực lượng Bộ đội Biên phòng tích cực thông tin, tuyên truyền, tập huấn, vận động ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về chống khai thác IUU; kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU.

Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Toàn tỉnh đã xử phạt 15 tàu cá về vi phạm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với hệ thống quản lý tàu cá của ngành thủy sản; mức xử phạt cao nhất là 25,5 triệu đồng/tàu/lần phạt. Vì xử phạt “mạnh tay” nên những tháng vừa qua ít có tàu cá bị ngắt kết nối dài ngày. Trong trường hợp tàu cá bị ngắt kết nối do lỗi kỹ thuật, thiết bị, thuyền trưởng phải gọi điện về Đài Thông tin duyên hải Nha Trang theo tần số 7903 và 7906, cứ 6 giờ báo một lần, sau 10 ngày phải cho tàu chạy vào bờ để tránh bị xử phạt”.

- Vẫn có thuyền trưởng tàu đánh cá đưa ra lý do ở ngoài biển khơi khó liên lạc với đất liền để biện minh cho vi phạm của mình? - tôi hỏi thẳng.

- Trên mỗi tàu đánh cá xa bờ có 3 - 5 máy thông tin liên lạc, tất cả thuyền trưởng đều biết cách liên lạc với Đài Thông tin duyên hải Nha Trang. Trong đội nhóm tàu đánh bắt, các thuyền trưởng gọi điện thông báo cho nhau mọi thông tin đánh bắt hàng ngày. Trước khi ban hành quyết định xử phạt, chúng tôi đã điều tra rất kỹ lưỡng.

- Vậy vì sao tàu cá của Khánh Hòa vẫn bị “lọt lưới”, vi phạm vùng biển nước ngoài bị Thủ tướng Chính phủ phê bình tại cuộc họp trực tuyến mới đây?

- Đó là trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, chiếc tàu đó của bà Phạm Thị Diệu (xã Phước Đồng). Tàu dài 13,9m làm nghề lưới vùng lộng, không nằm trong danh mục tàu cá xa bờ, nên không yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để quản lý theo hệ thống toàn quốc. Tàu bà Diệu đã làm thủ tục chuyển vào vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh bắt trước đó mấy tháng. Vì chiếc tàu này làm ảnh hưởng nỗ lực của toàn tỉnh trong suốt thời gian dài.

Tại các cảng cá lớn trong tỉnh, ngành thủy sản đang thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ, nước rửa sản phẩm thủy sản khai thác phải là nước sạch, tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.

HẢI LUẬN