Qua các cuộc tổng kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong đó, có nhiều DN không thể khắc phục và bị đình chỉ hoạt động. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN.
Hàng trăm cơ sở bị đình chỉ
Sáng đầu tuần, anh Trần Việt Bảo Huy - quản lý một khách sạn (cao 15 tầng với 34 phòng) trong hẻm 96B Trần Phú, phường Lộc Thọ (TP. Nha Trang) đến khách sạn kiểm tra trang thiết bị ở các tầng. Anh cho biết, trước đây anh làm quản lý, nhưng kể từ khi khách sạn bị đình chỉ hoạt động, anh được chủ doanh nghiệp giao nhiệm vụ trông coi như một nhân viên bảo vệ.
Có ít nhất 6 khách sạn trong hẻm 96B Trần Phú bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. |
Theo quy định, khách sạn này phải có 2 cầu thang bộ thoát hiểm, nhưng quá trình thi công chủ đầu tư chỉ thiết kế 1 cầu thang bộ. Khách sạn bị đóng cửa từ cuối năm 2022 do vi phạm các quy định liên quan đến công tác PCCC. Do tổng diện tích đất chưa đến 100m2 nên khách sạn không thể thi công thêm 1 cầu thang bộ. Theo ghi nhận, tại khách sạn này, các hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, vòi phun, bể nước chữa cháy cùng hệ thống bơm khí tự động vào cầu thang bộ đã được trang bị đầy đủ. Theo anh Huy, kể từ khi bị đình chỉ hoạt động, khách sạn không có người ở đã khiến các trang thiết bị, máy móc xuống cấp. Để tránh các thiết bị điện, điện tử gặp sự cố do lâu ngày không hoạt động, cứ khoảng 1 tháng, anh Huy lại đến khách sạn mở máy lạnh, tivi, thang máy và hệ thống hút gió.
Theo tìm hiểu, tại hẻm 96B Trần Phú có đến 6 khách sạn bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định an toàn PCCC và cũng trong tình trạng tương tự.
Đại úy Nguyễn Thăng Long - Đội phó Đội Phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, thời gian qua, đã có 191 cơ sở có tồn tại, vi phạm về PCCC khó hoặc không có khả năng khắc phục, chủ yếu là các khách sạn trên địa bàn TP. Nha Trang, số ít còn lại thuộc các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các khách sạn bị đình chỉ hoạt động đều xây dựng trước năm 2010, chủ yếu có những tồn tại là thiếu thang bộ thoát nạn; các cơ sở sản xuất bị tạm đình chỉ hoạt động chủ yếu là thiếu hệ thống PCCC, vi phạm khoảng cách chống cháy lan, đường giao thông cho phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường.
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trước thực trạng nhiều DN bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện Công điện số 220, ngày 5-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, trong tháng 4 và tháng 5, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 2 cuộc đối thoại với hàng chục DN trên địa bàn; đồng thời thành lập các đoàn công tác đến các cơ sở để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các DN. Qua đó, đề xuất các giải pháp gửi Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, đối với những trường hợp khách sạn thiếu thang bộ, sau khi trang bị hệ thống PCCC bổ sung cho công trình như: Chữa cháy tự động, báo cháy tự động, cầu thang bộ không nhiễm khói và được trang bị hệ thống hút khói, bơm khí... được phép hoạt động trở lại. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đề xuất áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về PCCC đối với các cơ sở tại thời điểm đơn vị đi vào hoạt động.
Thượng tá Hồ Chí Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, các vướng mắc nêu trên là tình hình chung của toàn quốc, không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa. Do đó, sau khi ghi nhận phản ánh từ các DN, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã đề xuất một số giải pháp và được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN.
Thành Long
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin