10:09, 05/09/2022

Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: Đẩy mạnh chăm sóc mía bằng drone

Phun chế phẩm cho cây mía bằng thiết bị bay không người lái (drone) là một trong những giải pháp đã được Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa phát huy hiệu quả trong năm qua. Niên vụ này, công ty tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân áp dụng drone vào chăm sóc cây mía.

Phun chế phẩm cho cây mía bằng thiết bị bay không người lái (drone) là một trong những giải pháp đã được Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) phát huy hiệu quả trong năm qua. Niên vụ này, công ty tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân áp dụng drone vào chăm sóc cây mía.


Nhiều ưu việt


Theo lãnh đạo BHS-NH, niên vụ vừa qua, vùng mía nguyên liệu của công ty đạt kết quả khả quan. Diện tích mía phục hồi mạnh, năng suất tăng bình quân hơn 3 tấn/ha so với niên vụ trước, từ 52 tấn/ha niên vụ 2020 - 2021 lên hơn 55 tấn/ha trong niên vụ 2021 - 2022, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người trồng mía. Để có được kết quả đáng khích lệ này, bên cạnh điều kiện thời tiết thuận lợi, nông dân cùng với công ty đã mạnh dạn áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Cải tạo giống, cày sâu, khoan hố, bón bã bùn và phân vi sinh giúp cải tạo đất… Trong đó, việc đưa drone vào chăm sóc mía là một công đoạn quan trọng.

 

Máy bay không người lái phun chế phẩm trên đồng mía ở Ninh Hòa.

Máy bay không người lái phun chế phẩm trên đồng mía ở Ninh Hòa.


Theo đó, trên vùng mía nguyên liệu Ninh Hòa, với đặc tính là đất khô, hầu hết không chủ động nguồn nước tưới, người dân chủ yếu trồng mía hàng hẹp. Trong khi đó, việc phun chế phẩm sinh học vào thời điểm cây mía đã lên cao, vươn lóng bằng phương pháp phun xịt thông thường mất rất nhiều công lao động, gây tốn kém cho nông dân; chưa kể phun bằng tay không đều, dẫn tới hiệu quả sử dụng chế phẩm chưa cao.


Khi áp dụng drone, với khả năng lập trình tự động 100%, định vị chính xác đến từng centimet, công nghệ phun ly tâm chia nhỏ hạt phun, giúp cây thẩm thấu tốt hơn. Đặc biệt, việc phun bằng máy giúp chế phẩm rải đều trên ruộng, máy có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, không phụ thuộc vào địa hình của cánh đồng cũng như độ cao thấp của cây mía vì phương pháp phun phủ từ trên xuống dưới. Mỗi drone có khả năng phun chế phẩm sinh học 30-40ha mía/ngày, tương đương với hàng trăm công lao động.


Nhờ những ưu việt đó, trong niên vụ 2021 - 2022, BHS-NH đã mạnh dạn thử nghiệm và hỗ trợ nông dân phun chế phẩm bằng drone sau đợt gió nam với gần 1.000ha mía tại Ninh Hòa, chi phí công ty đầu tư, hỗ trợ không hoàn lại chế phẩm phân bón lá cùng với dịch vụ phun là 900.000 đồng/ha. Việc phun các chế phẩm này đã giúp cây mía nhanh chóng phục hồi sau đợt nắng hạn. Các diện tích có phun chế phẩm cho năng suất cao hơn 5 tấn/ha so với không phun, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập hơn 4 triệu đồng/ha.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Doanh, nông dân trồng mía ở xã Ninh Sim chia sẻ: “Nhà tôi có 10ha mía đường. Nhờ áp dụng phương pháp phun chế phẩm bằng drone được công ty thử nghiệm, năng suất mía đạt năng suất bình quân hơn 70 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt hơn 25 triệu đồng/ha”. Không chỉ tăng thu nhập, việc áp dụng máy móc vào chăm sóc mía còn giải quyết được bài toán lao động vốn đang bị thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay trên các cánh đồng mía.


Mở rộng diện tích hỗ trợ


Niên vụ 2022 - 2023, BHS-NH tiếp tục đầu tư và hỗ trợ nông dân 900.000 đồng/ha để phun chế phẩm cho mía trên diện tích hơn 4.000ha. Trong đó, công ty cung cấp chế phẩm và dịch vụ phun trọn gói cho nông dân trồng mía có ký hợp đồng đầu tư với công ty được triển khai từ nay đến hết tháng 9-2022. Để được hỗ trợ drone vào quá trình phun chế phẩm sinh học chăm sóc cây mía, nông dân vùng mía nguyên liệu của BHS-NH có thể liên hệ trực tiếp tại trụ sở công ty (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) hoặc các Trạm Nông vụ được đặt ở các xã có trồng mía đường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa để được hướng dẫn đăng ký tham gia.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc BHS-NH cho biết, việc áp dụng drone vào chăm sóc mía đường là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với 4.000ha mía trong kế hoạch áp dụng drone vào chăm sóc, BHS-NH kỳ vọng và tin tưởng năng suất mía sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập cho người trồng mía trong bối cảnh giá vật tư, phân bón đều tăng cao.


“Ngoài ra, trong niên vụ này, BHS-NH cũng tập trung hỗ trợ nông dân hướng đến sự phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu theo nguyên tắc “Nông dân có lời - Nhà máy có lãi”. Cụ thể, ngoài hỗ trợ drone phun chế phẩm sinh học, đứng trước bối cảnh giá vật tư đầu vào vụ trồng năm nay tăng cao, BHS-NH điều chỉnh giá bảo hiểm từ mức 900.000 đồng/tấn mía lên 1 triệu đồng/tấn nhằm thể hiện sự gắn bó lâu dài với người trồng và bán mía cho công ty, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng mía” - ông Nguyễn Quốc Việt cho biết.


Hồng Đăng