10:07, 27/07/2022

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương

Một trong những hướng đi ưu tiên của các tỉnh, thành trong cả nước trong giai đoạn mới là xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản - đặc trưng của địa phương nhằm phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Một trong những hướng đi ưu tiên của các tỉnh, thành trong cả nước trong giai đoạn mới là xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản - đặc trưng của địa phương nhằm phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.


Mang lại nhiều lợi ích


Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào về sở hữu trí tuệ quy định về thương hiệu. Tuy nhiên, thuật ngữ này được sử dụng nhiều trong thương mại và có thể được hiểu rằng, thương hiệu là tổng hợp tất cả các yếu tố tạo nên một sản phẩm, hoặc một dòng sản phẩm, bao gồm bản thân sản phẩm, tên gọi, biểu tượng (logo), hình ảnh... dần qua thời gian được tạo dựng rõ ràng trong tâm trí khách hàng. Đặc sản địa phương được hiểu một cách đơn giản là sản phẩm được sản xuất hay khai thác ở một vùng địa lý, khu vực nhất định theo một quy trình sản xuất nhất định, có gắn kết với yếu tố đặc trưng về thổ nhưỡng, văn hóa của từng địa phương… mà nơi khác không có được.

 

Hoa cúc Ninh Giang vào vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thịnh

Hoa cúc Ninh Giang vào vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thịnh


Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có sử dụng tên địa danh, dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, dưới 3 hình thức: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Theo quy định hiện hành, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện xác lập quyền cho các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý dùng cho các đặc sản địa phương, các sản phẩm, dịch vụ truyền thống; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý tại địa phương; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý tại địa phương dùng cho các đặc sản địa phương, các sản phẩm, dịch vụ truyền thống liên quan đến lĩnh vực mà mỗi bộ quản lý.


Trong thời gian qua, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương (nông sản, sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp) - sau đây gọi là thương hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, tên địa danh (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) đã trở thành định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương góp phần phát triển quy mô sản xuất, thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa. Thương hiệu cộng đồng đã từng bước khẳng định được vai trò, giá trị trong sản xuất, thương mại sản phẩm nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Việt Nam.


Thống kê trên phạm vi cả nước đã có 41 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 61 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 51 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương mang lại nhiều lợi ích. Đối với người sản xuất, có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi và mở rộng thị trường xuất khẩu; chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đối với các hành vi chỉ dẫn sai lệch nguồn gốc của sản phẩm). Đối với cộng đồng, giúp phát triển các nghề truyền thống và các dịch vụ khác, đặc biệt là du lịch; tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế di dân, giúp phát triển đều giữa các vùng kinh tế, ổn định kinh tế vùng… Đối với người tiêu dùng, yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực từ khu vực địa lý với chất lượng được kiểm soát; tránh các rủi ro từ việc sử dụng hàng hóa giả mạo, kém chất lượng.


Các thương hiệu sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa


Theo kết quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 8 sản phẩm đặc trưng sử dụng tên địa danh, chỉ dẫn địa lý được xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu  tập thể gồm: Xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, táo Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh), nước mắm Nha Trang, yến sào Nha Trang và 1 chỉ dẫn địa lý ốc hương Khánh Hòa. Qua đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình triển khai và nâng cao hiệu quả của Chương trình (OCOP) và xây dựng nông thôn mới của tỉnh… Ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) cho biết, trên địa bàn phường có gần 300 hộ trồng hoa cúc, hàng năm cung cấp cho thị trường trên dưới 150.000 chậu (chỉ giảm trong thời gian bị dịch Covid-19). Từ khi nhãn hiệu tập thể hoa cúc Ninh Giang được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giá bán cao hơn, được đầu mối tiêu thụ hoa ở các tỉnh, thành phố trong cả nước biết tới nhiều hơn và tin tưởng vào chất lượng thương hiệu hoa cúc Ninh Giang. Để giữ gìn thương hiệu này, địa phương thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu; thường xuyên tập huấn cho người trồng, thực hiện đăng ký, thẩm định, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu… rất chặt chẽ.


Việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương không chỉ dừng lại ở giải pháp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn phải được bảo vệ, giữ gìn, tiếp tục phát triển nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng của sản phẩm, dịch vụ mang tên gọi đó cũng như uy tín của địa phương, chủ thể tạo ra sản phẩm qua quá trình quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương cần được tiếp tục quan tâm và coi trọng việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và  phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

 

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2006) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, thương hiệu cho đặc sản địa phương được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo hình thức đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý được hiểu:

- Nhãn hiệu: Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của chủ thể này và chủ thể khác. Nhãn hiệu bao gồm: Nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

- Nhãn hiệu tập thể: Là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận: Là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Chỉ dẫn địa lý: Là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.


KIỀU CHÂU