UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chọn được 32 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để vinh danh. Trong thời gian tới, để công nghiệp nông thôn thực sự có những bước tiến dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực này.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chọn được 32 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu để vinh danh. Trong thời gian tới, để CNNT thực sự có những bước tiến dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực này.
Nhiều kết quả khích lệ
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để tạo điều kiện phát triển CNNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, các địa phương tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương, đề xuất nhiều cơ sở CNNT có đối tượng phù hợp với hoạt động khuyến công để được hỗ trợ. Các cơ sở CNNT cần có kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ hiện đại để phát huy lợi thế cạnh tranh, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm tại chỗ, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Thông qua việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có giá trị, có tiềm năng để ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại cho các cơ sở CNNT. Đây chính là cơ hội để các cơ sở CNNT đẩy mạnh nghiên cứu kết nối giao thương, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thông qua các cuộc bình chọn đã tạo động lực rất lớn cho các cơ sở sản xuất CNNT tích cực hơn trong việc thiết kế, cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Các cơ sở CNNT đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền phục vụ phát triển du lịch, góp phần gia tăng giá trị ngành công nghiệp (CN) của tỉnh, tích cực giải quyết việc làm cho người lao động và thu nhập ở địa bàn nông thôn, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.
Cần thêm trợ lực
Các cơ sở CNNT đã đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để CNNT phát triển mạnh hơn nữa, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở CNNT trên địa bàn tích cực tham gia các đợt bình chọn lần sau nhằm phát hiện những sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, thực sự tiêu biểu của từng địa bàn huyện, tỉnh. Đồng thời, sở tuyên truyền chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT để có điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách; song song với đó, phối hợp với các cơ sở tăng cường đào tạo lao động theo chương trình khuyến công, nâng cao năng lực quản lý thông qua các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí trình diễn mô hình đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới của các cơ sở CNNT…
Đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên trong việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua việc tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, sở nghiên cứu kiến nghị Bộ Công Thương có những chính sách khuyến khích để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải, đặc biệt là các sản phẩm đạt giải cấp khu vực, cấp quốc gia.
Đình Lâm