Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 133 nhằm tháo gỡ các khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giảm bớt căng thẳng nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 133 nhằm tháo gỡ các khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giảm bớt căng thẳng nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Thiếu 4,5 triệu khối đất san lấp
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, để giải quyết một số vướng mắc trong cung cấp nguồn vật liệu, tháng 6-2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 60 áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nghiêm túc triển khai và hướng dẫn nhà đầu tư đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm thực hiện đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh triển khai việc ký cam kết cung cấp vật liệu, nâng công suất khai thác. Hiện nay, địa phương đã cấp phép mới cho nhà đầu tư một mỏ đất san lấp mới có trữ lượng 260.000m3. Tuy nhiên, hiện nay, đoạn Nha Trang - Cam Lâm vẫn còn thiếu gần 4,5 triệu m3 đất san lấp.
Tìm hiểu được biết, nhà đầu tư đã chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu, làm việc, thỏa thuận với các địa phương và các tổ chức, cá nhân. Qua đó, nhà đầu tư đề xuất 15 vị trí khai thác đất để san lấp mặt bằng dự án. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, hầu hết các mỏ này không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc nằm ngoài quy hoạch sử dụng khoáng sản của tỉnh nên dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thăm dò và tìm kiếm các mỏ khai thác khác, bảo đảm số lượng và chất lượng đất đắp cho dự án.
Tháo gỡ khó khăn
Các điểm mỏ mới do nhà đầu tư đề nghị cấp phép khai thác nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh đang giao Sở TN-MT triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030” để bổ sung các điểm mỏ đất san lấp đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc, dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 12-2021 thông qua để có cơ sở pháp lý cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án đường cao tốc, ngày 19-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 133 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT triển khai áp dụng Nghị quyết 133 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Nghị quyết 133 có nhiều điểm mới hơn so với Nghị quyết 60. Cụ thể, Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác. Trong Nghị quyết 133 vừa ban hành, Chính phủ cho phép các mỏ đất đắp nền đường được nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc, không giới hạn 50% công suất ghi trong giấy phép, đến khi dự án hoàn thành thì bàn giao lại mỏ cho địa phương. Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ vật liệu.
Với những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hy vọng “cơn khát” vật liệu cao tốc sẽ được giải tỏa.
THÀNH NAM