Khoảng 1 tháng nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc tại một số địa phương. Vì thế, huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Khoảng 1 tháng nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc tại một số địa phương. Vì thế, huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều vật nuôi mắc bệnh được chữa khỏi
Cuối tháng 7, một con bò sinh sản 4 năm tuổi của ông Nguyễn Ngọc Chiến (thôn Suối Luồng, xã Vạn Thắng) xuất hiện hiện tượng da nổi cục, sốt cao và bỏ ăn. Qua tìm hiểu, ông Chiến biết bò nhà đang mắc bệnh viêm da nổi cục và tiến hành tự điều trị bằng cách cho bò uống thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin C nhưng không đạt hiệu quả, bò ngày càng yếu và bỏ ăn. Vì vậy, ông Chiến báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đến thăm khám. Xác định bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, cán bộ thú y điều trị theo phác đồ của ngành thú y. Sau quá trình điều trị tích cực, đến nay, bò đã khỏe mạnh, các cục nổi trên da giảm, bò đã ăn cỏ. Ông Chiến cũng bổ sung cám, chất khoáng, vitamin để bò mau phục hồi. Đối với 6 con bò còn lại, ông Chiến đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
Đầu tháng 8, bà Lương Thị Huệ (thôn Phú Cang 1 Bắc, xã Vạn Phú) phát hiện con bê của gia đình có biểu hiện sốt, da nổi cục nên đã báo cho cán bộ thú y của địa phương đến thăm khám và tiến hành điều trị. Qua 2 ngày tiêm thuốc, các cục nổi trên da vật nuôi đã giảm, bê khỏe và nhanh nhẹn hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ thú y xã Vạn Phú cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 870 con trâu, bò. Khoảng từ cuối tháng 7 đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, chủ yếu là bê con. Thực hiện chỉ đạo của ngành thú y và huyện, xã Vạn Phú đã thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, giúp người nuôi sớm nhận biết biểu hiện của bệnh. Các chủ hộ khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh đều báo cán bộ thú y để khám và điều trị kịp thời. Hiện tại, 5/5 con bò mắc bệnh được điều trị khỏi. Trong quá trình điều trị, cán bộ thú y hướng dẫn người nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bò bị bệnh và thực hiện tiêm phòng. Đến nay, trên địa bàn đã có khoảng 20 hộ chăn nuôi đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò và đã tiêm cho hơn 100 con.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vạn Ninh, đến nay, toàn huyện đã phát hiện 53 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại các xã: Xuân Sơn, Vạn Phú, Vạn Hưng, Vạn Bình, Vạn Thắng. Ngành Thú y của huyện đã khám và điều trị khỏi bệnh cho 43 con.
Chủ động phòng bệnh
Huyện Vạn Ninh hiện có đàn gia súc 7.331 con, trong đó hơn 6.000 con bò. Để chủ động phòng, chống bệnh cho vật nuôi, huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp như: Giám sát chặt chẽ tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm thịt trâu, bò và phương tiện vận chuyển động vật trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tiêm phòng cho trâu, bò; tổ chức phun hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; giám sát việc chăn thả gia súc tại các địa phương…
Trong quá trình xử lý dịch bệnh, cán bộ thú y cơ sở đã hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ lây bệnh qua các loại côn trùng trung gian như: ruồi, muỗi…; thực hiện nuôi nhốt, cách ly, không thả rông bò để hạn chế lây nhiễm. Đồng thời, khuyến nghị các hộ thường xuyên bổ sung chất khoáng, vitamin trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng và giúp bò sớm phục hồi khi hết bệnh; sớm đăng ký tiêm phòng cho trâu, bò (đến nay đã tiêm 1.350 liều vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi). Cùng với đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã và đang tiến hành phun hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại khu vực có gia súc bị mắc bệnh của các hộ dân nhằm ngăn ngừa, hạn chế, tiêu diệt sự phát tán, lây lan của mầm bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Trung khuyến cáo: “Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nếu không được chữa trị kịp thời sẽ làm suy yếu sức khỏe và làm chết vật nuôi. Do vậy, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh, người dân cần báo ngay cho cán bộ thú y để điều trị theo đúng phác đồ của ngành thú y, không nên tự điều trị tại nhà, nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế”.
THẾ ANH - THANH HẢI