Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kiệt quệ vì dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp duy trì, phục hồi và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với phương châm từng bước "nới lỏng theo lộ trình".
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh kiệt quệ vì dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN duy trì, phục hồi và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với phương châm từng bước “nới lỏng theo lộ trình”.
Doanh nghiệp nào cũng khó
Hiện nay, hầu hết các DN đều gặp những khó khăn nhất định. Để đảm bảo phòng dịch, có rất nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động. Riêng các DN du lịch hơn 1 năm nay hầu như không có doanh thu; nhiều đơn vị đứng trước bờ vực phá sản. Ông Nguyễn Xuân Thùy - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “Thời gian gần đây, các công ty du lịch gần như kiệt quệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, các khoản nợ ngân hàng vẫn không được giãn nợ và giảm lãi suất. Các DN bất động sản cũng bị hối thúc đóng tiền thuế đất. Vì vậy, DN rất mong lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa xem xét hỗ trợ khoản vay lãi suất 0 đồng để DN tái kinh doanh và trả lương cho người lao động”.
Các DN đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” cũng gặp không ít vấn đề. Theo ông Nguyễn Xuân Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hải Vương Group (có 4 công ty xuất khẩu thủy sản trong Khu Công nghiệp Suối Dầu), để duy trì được việc sản xuất trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi tháng, chi phí của Hải Vương Group tăng thêm khoảng 1 triệu USD. Với chi phí như vậy, DN chỉ giải quyết được đơn hàng cho đối tác, còn thu không bù được chi. Nếu tình hình này còn kéo dài, khả năng các công ty sẽ gặp không ít khó khăn về tài chính.
Tại nhiều đơn vị, sau hơn 1 tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, số người lao động xin trở về nhà ngày một tăng lên. Cá biệt có công ty 100% người lao động đều kiến nghị không tiếp tục ở lại làm việc. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, các DN đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét nới lỏng phương án sản xuất “3 tại chỗ” xuống còn “2 tại chỗ” (ăn, làm tại chỗ); có chính sách giảm giá điện, nước, thuế và cho DN vay với lãi suất 0 đồng; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động.
Đối với vấn đề đầu tư công, các chủ đầu tư dự án đề nghị tỉnh nới lỏng, cho phép mở lại các cửa hàng vật liệu xây dựng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các xe vận chuyển vật liệu vào công trường theo phương án tài xế phải ở trong cabin đóng kín cửa, tuyệt đối không tiếp xúc với người ngoài công trường. Ngoài ra, phải có giải pháp giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Nới lỏng theo lộ trình
Năm 2020, tỉnh có 1.843 DN đăng ký thành lập mới, giảm 3,3% so với năm 2019; 1.284 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 1,9 lần so với năm 2019. 8 tháng năm 2021, có 844 DN đăng ký thành lập mới, giảm 29,8% so với cùng kỳ; 1.190 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 16,4%; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều tăng... |
Lãnh đạo tỉnh vừa tổ chức họp bàn giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét giải quyết tất cả các kiến nghị để giúp các DN sớm ổn định sản xuất. UBND tỉnh thời gian qua đã giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong phối hợp triển khai gấp rút việc tiêm phòng cho người lao động ở các DN. Quan điểm của tỉnh là ngoài các đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ, tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho giáo viên và người lao động các DN trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa sẽ giải quyết từng kiến nghị cụ thể về lãi suất cũng như cơ cấu trả nợ của DN. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang tiếp nhận hồ sơ gói vay lãi suất 0 đồng, không thế chấp dành cho DN phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhận định: Tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian tới, phải xem xét nới lỏng giãn cách theo nguy cơ của từng vùng. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trên địa bàn tỉnh duy trì, phục hồi và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với phương châm từng bước “nới lỏng theo lộ trình”, thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ của từng thôn, tổ dân phố ở các địa phương. Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện một số biện pháp bảo đảm sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch Covid-19 tại DN; trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Trong đó, lưu ý các nội dung về điều kiện áp dụng đối với các DN được phép hoạt động sau ngày 25-8; yêu cầu DN áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo đảm y tế trong phòng, chống Covid-19...
Đình Lâm