11:07, 29/07/2021

OCOP 2021: Mở rộng sản phẩm tham gia

Năm nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có 76 sản phẩm tham gia, trong đó có những sản vật đặc trưng của Khánh Hòa như: Trầm hương, yến sào, tôm hùm.

Năm nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có 76 sản phẩm tham gia, trong đó có những sản vật đặc trưng của Khánh Hòa như: Trầm hương, yến sào, tôm hùm.


Từng bước khẳng định chất lượng


Năm 2021, toàn tỉnh có 76 sản phẩm tập trung phát triển hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí, đòi hỏi của một sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 được UBND tỉnh ban hành ngày 26-7, các sản phẩm tập trung vào 6 nhóm ngành gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải may mặc và dịch vụ nông thôn.

 

 lMột số nông sản chất lượng cao tại Hội thảo ngành Nông nghiệp Khánh Hòa năm 2020. (Ảnh chụp tháng 6-2020

Một số nông sản chất lượng cao tại Hội thảo ngành Nông nghiệp Khánh Hòa năm 2020. (Ảnh chụp tháng 6-2020)


Cùng với những nông sản đang từng bước khẳng định chất lượng như: Xoài, bưởi, sầu riêng, dừa xiêm, nấm, tỏi, ớt, chuối, dưa lưới, gạo…, năm nay, những người làm nghề ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh đang tập trung hoàn thiện sản phẩm vòng trang sức trầm và nhang trầm hương đặc trưng để tham gia chương trình. Tại TP. Cam Ranh, những ngư dân chuyên nuôi tôm hùm ở xã Cam Lập với con tôm hùm Bình Ba nức tiếng trong và ngoài nước sẽ được chuẩn hóa, hoàn thiện để trở thành một sản phẩm OCOP. Tại TP. Nha Trang, những tổ yến nguyên vẹn được làm sạch, sấy khô và các sản phẩm tinh chế từ tổ yến cũng góp mặt trong chương trình OCOP.

 

Sầu riêng Khánh Sơn là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu.  (Ảnh chụp trước tháng 4-2021)

Sầu riêng Khánh Sơn là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu. (Ảnh chụp trước tháng 4-2021)


Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, 76 sản phẩm tham gia OCOP năm nay có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các nhóm ngành chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương. Các sản phẩm này được tập trung chuẩn hóa quy trình sản xuất, gắn các giá trị truyền thống, đặc sắc của vùng miền làm sao vừa đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, vừa củng cố, phát huy giá trị truyền thống trong mỗi sản phẩm.


Gấp rút hoàn thành


Do nhiều nguyên nhân, kế hoạch chương trình OCOP năm nay được ban hành tương đối muộn. Theo đó, từ nay đến tháng 9-2021, tập trung hoàn thiện hệ thống bộ máy vận hành chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã do năm nay có nhiều thay đổi về nhân sự giữa 2 nhiệm kỳ. Song song đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP được đẩy mạnh, giúp các chủ thể tham gia có cái nhìn tổng quát, đầy đủ về chương trình. Đây cũng là thời gian tiếp nhận ý tưởng sản phẩm của các chủ thể sản xuất, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và đi vào triển khai để tạo nên sản phẩm tham gia đánh giá. Mục tiêu đến tháng 10 hoàn thành xong công tác đánh giá sản phẩm ở cấp huyện để trong tháng 11 sẽ đánh giá cấp tỉnh. Những sản phẩm được đánh giá cao sẽ tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

 

Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Sau 3 năm triển khai, UBND tỉnh đã quyết định công nhận tổng cộng 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Qua tính toán, tổng doanh thu bình quân của 26 sản phẩm này đạt 7,5 tỷ đồng/năm, tăng 15% và lợi nhuận bình quân đạt 700 triệu đồng/năm, tăng 10% so với trước khi tham gia chương trình.

Theo kế hoạch được duyệt, tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP năm nay là 2,71 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 2,1 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể tham gia. Nguồn lực này được dùng để triển khai các chu trình OCOP theo quy định như: Tuyên truyền, đăng ký ý tưởng, tiếp nhận và triển khai kế hoạch kinh doanh, tổ chức đánh giá sản phẩm… Đồng thời, một số chủ thể tham gia sẽ được hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm với các nội dung như: Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì…; tổng ngân sách tỉnh dành cho nội dung hỗ trợ chủ thể 610 triệu đồng.


Theo ông Huỳnh Quang Thành, các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện chương trình OCOP của tỉnh áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, khuyến nông, khuyến công, nông thôn mới… để thực hiện chương trình. Chẳng hạn như Nghị định 52/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định 57/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…


Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các chủ thể tham gia mới có thể đạt được các mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong kế hoạch chương trình OCOP năm nay.


Hồng Đăng