6 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Để tỷ lệ giải ngân đạt 100% vào cuối năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có những điều chỉnh kịp thời.
6 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Để tỷ lệ giải ngân đạt 100% vào cuối năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có những điều chỉnh kịp thời.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Khánh Hòa hơn 3.784 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công gần 3.402 tỷ đồng, còn gần 383 tỷ đồng chưa phân bổ. 6 tháng đầu năm, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân ước thực hiện 30,9%; so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 34,4%. Trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt 37,1%; nguồn vốn cấp huyện giải ngân đạt 29,1%. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 34,2%; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (vốn trong nước) đạt 49,7%; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) giải ngân 26,6% và nguồn vốn vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA giải ngân 14,9%.
Với số vốn được bố trí, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án có tính chất lan tỏa, liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là các dự án: Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 3, đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn, đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang. Ngoài ra, một số dự án như: Sửa chữa và nâng cao an toàn đập; cải tạo, nâng cấp kênh chính nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu… sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển.
Theo ông Nguyễn Phi Vũ - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khóa VI, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp. Đối với nhóm các dự án thực hiện thủ tục đầu tư chậm, đa số là những dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp quyết liệt hơn để chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nhanh chóng thủ tục đầu tư dự án, sớm triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả dự án.
Đưa ra nhiều giải pháp
Để giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao, tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VII, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua việc điều chỉnh nguồn vốn. Theo đó, tỉnh sẽ giảm kế hoạch vốn của các dự án bị vướng do thủ tục đầu tư chậm, dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao, dự án hết nhiệm vụ chi… với số tiền gần 211 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn này sẽ được bổ sung cho các dự án tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. UBND tỉnh cũng bố trí gần 43 tỷ đồng chưa phân bổ từ nguồn vốn kéo dài từ năm 2020 sang 2021 cho các dự án đã dự kiến đầu năm 2021 nhưng chưa kịp hoàn thành thủ tục để trình tại kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh khóa VI.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch. UBND tỉnh yêu cầu Tổ tư vấn, Tổ giúp việc giải ngân vốn đầu tư công đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào công tác bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư; xác định trách nhiệm cụ thể các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc không hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Các vấn đề kiểm đếm khối lượng giải tỏa, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, thẩm định giá đất bồi thường, hoàn chỉnh hồ sơ… cũng được đôn đốc, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý về tình hình thực hiện giải ngân và kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án. Sở chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 đối với các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án khác có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải ngân tốt. Đồng thời, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, quyết định chủ trương đầu tư dự án phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. |
Đ.Lâm