Ngày 14-6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài (ODA) 5 tháng đầu năm. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.
Ngày 14-6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài (ODA) 5 tháng đầu năm. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn ODA được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại 28.796 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm, vốn đã giải ngân chỉ đạt 1,73% dự toán; trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương giải ngân đạt 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm, vốn cho các địa phương vay lại giải ngân đạt 1,68%. Hiện nay, chỉ có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%. Đáng chú ý, 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.
Tại Khánh Hòa, tính đến ngày 31-5, tỉnh đã thực hiện giải ngân nguồn vốn ODA được hơn 27,2 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân vốn vay lại Chính phủ hơn 13,8 tỷ đồng, đạt 6,47% so với kế hoạch; giải ngân vốn ưu đãi hơn 13,4 tỷ đồng, đạt 9,98% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Khánh Hòa đứng thứ 9 trong 15 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn ODA tốt nhất cả nước.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu những vướng mắc và nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA.
Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, Bộ Tài chính cam kết hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án, chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao. Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án, ban quản lý dự án chủ động triển khai công việc thuộc trách nhiệm của chủ dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, chờ chỉ đạo, đặc biệt đối với các dự án mua sắm thiết bị.
Đình Lâm