Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có những giải pháp phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động.
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có những giải pháp phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp (CCN) mới thành lập đi vào hoạt động. Song, trong năm 2020, tiến độ thi công cũng như thu hút đầu tư của các CCN chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, việc cấp phép xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng chính là vướng mắc lớn nhất cần sớm được tháo gỡ.
Gặp khó trong thu hút đầu tư thứ cấp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 CCN được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó, 6 CCN (Diên Phú, Diên Phú - VCN, Đắc Lộc, Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, đang đi vào hoạt động. Các CCN này thu hút được 58 dự án và đã có 48 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, việc thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN vẫn còn nhiều trở ngại, tiến độ xây dựng hạ tầng cũng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các CCN mới thành lập. Điều này đã tác động đến tình hình thu hút đầu tư của tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn.
Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân chưa thu hút đầu tư thứ cấp được như kỳ vọng do còn nhiều vướng mắc trong thủ tục, cũng như công tác giải phóng mặt bằng ở các CCN. Trong đó, vấn đề hoàn thành các thủ tục cấp phép xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng chính là vướng mắc lớn nhất hiện nay. Như CCN Sông Cầu, được Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa làm chủ đầu tư và khánh thành, đưa vào hoạt động từ tháng 10-2020. Đến nay, CCN đã thu hút được 9 nhà đầu tư thứ cấp, chiếm hơn 70% tổng diện tích của dự án nhưng chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào xây dựng nhà xưởng ở đây để đi vào hoạt động. Tương tự, tại CCN Trảng É 1 (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco làm chủ đầu tư) dù đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng và diện tích thuê đất đạt 76%, song hiện nay, cũng mới có 6 nhà đầu tư thứ cấp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang tiến hành xây dựng hệ thống nhà xưởng. Được biết, để được cấp phép, các nhà đầu thứ cấp đã mất khá nhiều thời gian chờ đợi.
Ngoài ra, vấn đề hạ tầng giao thông khớp nối với các CCN chưa đồng bộ hoặc hạn chế về ngành nghề thu hút cũng là những nguyên nhân khiến thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng. Thực tế có khá nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư tại Khánh Hòa, song vì những vướng mắc đã nêu khiến cho họ phải cân nhắc hoặc quyết định đầu tư ở các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn.
Cần nhiều trợ lực
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tìm cách tháo gỡ, song đến nay, các CCN vẫn còn nhiều khó khăn. Các hạng mục hạ tầng khó có thể hoàn thành đúng tiến độ dự kiến, dẫn tới việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cũng hạn chế. Để các CCN sớm đi vào hoạt động, các chủ đầu tư cho rằng lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quyết liệt tháo gỡ những khó khăn tại các CCN.
Ông Phan Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco kiến nghị: “Để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN nói chung và CCN Trảng É nói riêng, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, cần sự chung sức của các cấp, ngành. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành linh động trong việc chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cũng như thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công”. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Phương cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có dự án hỗ trợ doanh nghiệp hết mức; những trường hợp người có đất bị thu hồi chưa thống nhất về phương án bồi thường, ngoài sự giải thích của chủ đầu tư thì chính quyền phải giữ vai trò chính để vận động cho người dân hiểu.
Có thể thấy, việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN được xem là giải pháp quan trọng để tạo nguồn thu mới trong năm 2021. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để tỉnh kiểm soát chặt vấn đề môi trường, cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, tại những cuộc đối thoại với doanh nghiệp gần đây, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thẩm định thủ tục đầu tư dự án; sớm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng... tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để cải thiện tình hình đầu tư năm 2021, ngành Công Thương đang tham mưu tỉnh yêu cầu đẩy nhanh hoàn thiện mặt bằng hạ tầng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp. Mới đây, sở đã kiến nghị UBND tỉnh bổ sung danh mục ngành nghề thu hút đầu tư tại CCN Diên Phú - VCN. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, CCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh có thể tạo bước đột phá trong thu hút các nhà đầu tư vào năm 2021”.
ĐÌNH LÂM