UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa phê duyệt Đề án Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa phê duyệt Đề án Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai đề án sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng nền nông nghiệp có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương.
Tăng giá trị sản phẩm
Theo lãnh đạo UBND huyện, mục tiêu quan trọng của đề án nhằm xác định cơ cấu cây trồng, cây trồng chủ lực theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng bền vững bằng việc thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khí hậu... thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, địa phương đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 6,34%/năm. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tăng 6,92%/năm, lâm nghiệp tăng 2,72%/năm, nuôi trồng thủy sản tăng 5,5%/năm; giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đến năm 2025 đạt 66 triệu đồng, tăng 38 triệu đồng/ha so với năm 2019; tổng sản lượng lương thực đạt 5.260 tấn; có 20% diện tích cây ăn quả trở lên sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 5 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nhóm cây trồng chủ lực chiếm hơn 85% giá trị sản xuất trồng trọt; giảm dần chăn nuôi trong khu vực nội thị tại thị trấn Khánh Vĩnh; 100% cơ sở chăn nuôi đăng ký hồ sơ môi trường theo quy định...
Từ cơ sở đó, huyện hướng đến trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 4 sản phẩm được đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương (chương trình OCOP); có 5 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 2 hợp tác xã so với năm 2019). Định hướng đến năm 2030, các chỉ tiêu cũng sẽ tăng đồng bộ.
Xác định vùng chuyên canh
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để phát triển nền nông nghiệp bền vững, việc xác định vùng chuyên canh lớn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: Bưởi da xanh, sầu riêng, mít, xoài, cam, quýt, mía đường, điều, rừng nguyên liệu và trang trại chăn nuôi là một trong những yếu tố quan trọng.
Huyện đã xác định vùng sản xuất tập trung gắn với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp chính trên địa bàn huyện đến năm 2030. Với cây trồng, khu vực trồng bưởi tập trung tại các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thành và Sông Cầu; khu vực trồng sầu riêng tập trung tại xã Khánh Đông, Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thành và Sông Cầu; khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Sông Cầu và Khánh Phú...
Trong chăn nuôi, khu vực chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại tập trung tại các xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Thượng; xã Khánh Hiệp là khu vực chăn nuôi bò tập trung và vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò; khu vực nuôi chim yến tại các xã: Khánh Phú, Sông Cầu, Cầu Bà, Khánh Thượng, Khánh Nam và Khánh Bình. Với nuôi trồng thủy sản, sẽ phát triển nuôi cá nước lạnh tại xã Sơn Thái, Khánh Phú; nuôi tại các hồ thủy điện, hồ thủy lợi tại các xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Trung.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đề án đến năm 2030 hơn 253 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hơn 190 tỷ đồng; khuyến nông, khuyến lâm, trình diễn mô hình hơn 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ tổ chức sản xuất hơn 12,5 tỷ đồng; xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề hơn 10,2 tỷ đồng... Kinh phí triển khai sẽ được cơ cấu từ nhiều nguồn, trong đó có ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã, huy động từ nhân dân và nguồn vốn tín dụng.
“Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể đề án đưa ra, UBND huyện đã xây dựng 11 nhóm giải pháp để triển khai, trong đó có các giải pháp về quy hoạch, chính sách, đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; giải pháp cải tạo bảo vệ đất, đào tạo nghề nông nghiệp, đổi mới hình thức sản xuất, giải pháp tiêu thụ và chế biến sau thu hoạch... để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Từ đó, từng bước phát triển nền nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững, phát huy lợi thế địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân”, ông Thuận nói.
VĨNH THÀNH