Từ những cánh đồng trồng lúa, hoa màu… kém hiệu quả, một số hộ trên địa bàn xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi sang trồng ngò gai nhằm nâng cao thu nhập.
Từ những cánh đồng trồng lúa, hoa màu… kém hiệu quả, một số hộ trên địa bàn xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi sang trồng ngò gai nhằm nâng cao thu nhập.
Thu nhập ổn định
Vườn ngò gai có diện tích hơn 1.600m2 (hơn 4 sào) của gia đình ông Nguyễn Phương (thôn 1) đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Phương cho biết, trước đây, gia đình ông trồng bắp, hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây 5 năm, ông chuyển sang trồng thử cây ngò gai. Từ khi xuống giống cho đến lúc thu hoạch chỉ mất hơn 3 tháng. Sau đó, cứ 30 ngày thu hoạch lứa tiếp theo, bình quân ông Phương thu được khoảng 400kg/lứa, thu hoạch liên tục trong 4 - 5 tháng. Với giá bán 16.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư (khoảng 15 triệu đồng/sào), mỗi sào ông lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng, nhiều gấp đôi so với trồng bắp. Thấy hiệu quả, hàng năm, ông mở rộng diện tích trồng ngò gai và thuê thêm đất để trồng. Đến nay, gia đình ông có hơn 1,5ha đất trồng ngò gai. Do gia đình ông trồng với diện tích lớn nên chia ra từng lô, vài tuần lại có một đám cho thu hoạch. Hiện nay, thương lái tới tận vườn thu hoạch với giá 17.000 - 18.000 đồng/kg; gia đình tự bán giá 22.000 đồng/kg. Ngò gai ưa bóng râm nên phải làm giàn lưới chống nắng. Tuy đầu tư ban đầu cao nhưng cho thu nhập ổn định. Ngò gai trồng trong 1 năm phải phá bỏ để cải tạo lại đất 1 lần hoặc có thể trồng cây khác sau một thời gian mới trồng lại, vì nếu đất quen, ngò gai sẽ phát triển kém, năng suất giảm, nhiều sâu bệnh.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Công An cũng thu hoạch ngò gai trên chân ruộng khoảng 500m2. Theo ông An, cách đây 7 năm, gia đình ông chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngò gai. Từ đó, hàng năm, gia đình ông đều mở rộng diện tích, đến nay đã phát triển được 5.000m2. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi khoảng 120 - 150 triệu đồng.
Mở rộng diện tích
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú cho biết, trước đây, chỉ có vài hộ ở khu vực thôn 1 trồng ngò gai ở các mảnh vườn quanh nhà và bán lẻ tại các chợ, nhưng cho thu nhập khá. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về việc chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, năm 2017, nhận thấy cây ngò gai phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 39 hộ ở thôn 1 thực hiện chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa sang trồng gần 6ha ngò gai. Đến nay, toàn xã có gần 60 hộ trồng với diện tích hơn 11ha, người trồng nhiều nhất 2 - 3ha, ít nhất cũng vài trăm mét vuông. Nhằm hỗ trợ người dân trong việc trồng ngò gai, năm 2020, Mặt trận xã phối hợp với Hội Nông dân xã thành lập 3 tổ liên kết trồng ngò gai tại các thôn 1, 3 và 4. Sau khi tham gia tổ liên kết, người dân được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng/hộ từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện. Các hộ được tập huấn khoa học kỹ thuật, giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm…
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của người dân là đầu ra của cây ngò gai chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Ngò sau khi thu hoạch, các thương lái vận chuyển đi các tỉnh như: Gia Lai, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh… Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thương lái không thu mua nên nhiều hộ mất nguồn thu nhập, khó khăn trong trả nợ vay. “Hội Nông dân xã đang rà soát, nắm lại tình hình của các tổ liên kết sản xuất ngò gai, nhu cầu sử dụng vốn… để có đánh giá cụ thể. Sau đó, hội sẽ kiến nghị lên cấp trên nhằm có sự điều chỉnh vốn vay và thời gian trả nợ phù hợp, có chính sách bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân ổn định sản xuất”, ông Bảo cho biết.
Khánh Hà