Những năm gần đây, huyện Vạn Ninh luôn chú trọng triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Từ đó, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Những năm gần đây, huyện Vạn Ninh luôn chú trọng triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH- KT) vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Từ đó, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Sản xuất 2 giống lúa mới có chất lượng
Năm 2017, ông Phạm Hoàng Danh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vạn Phú 1, xã Vạn Phú đã mạnh dạn chuyển 3ha đất sản xuất giống lúa Malam202 của gia đình sang gieo sạ thử nghiệm giống lúa mới BDR27, AN1, ANS1, DT45. Sau khi thu hoạch, chỉ có giống lúa ANS1 cho thấy ưu thế vượt trội so với Malam202. Không chỉ cho năng suất cao hơn khoảng 5 tạ/ha, giống lúa ANS1 còn có khả năng kháng bệnh cao, chịu hạn, chịu lạnh tốt, có thể sản xuất cả vụ đông xuân và hè thu, đặc biệt hạt cơm ngon, dẻo, mềm. Ngoài ra, giống lúa ANS1 thân cây cứng, không bị ngã đổ nên rất phù hợp cho việc gặt máy. “Gia đình tôi đang sản xuất hơn 4ha giống lúa ANS1. Các hộ thành viên khác trong HTX cũng bắt đầu áp dụng gieo sạ giống lúa mới này. Vụ đông xuân năm nay, các thành viên gieo sạ giống lúa ANS1 với hơn 100ha. Vụ hè thu, có 90% thành viên gieo sạ giống lúa này với khoảng 200ha ”, ông Danh nói.
Kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Lệ Duyên - chuyên viên Trạm Khuyến nông huyện Vạn Ninh cho biết, các giống lúa mới trên là kết quả của đề tài cơ sở “Ứng dụng một số giống lúa mới cho năng suất chất lượng cao tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa” được nghiệm thu từ năm 2018. Sau khi hoàn thành xây dựng các mô hình, ngành Nông nghiệp huyện Vạn Ninh đã có đánh giá về hiệu quả của từng giống lúa. Qua đó, Phòng Kinh tế huyện đã chọn 2 giống lúa mới là BDR27 và ANS1 đạt hiệu quả cao nhất để người dân trên địa bàn huyện đưa vào sản xuất đại trà. Từ 3 mô hình thí điểm ban đầu tại các xã Vạn Khánh, Vạn Phước và Vạn Phú với diện tích khoảng 10ha, đến nay, mô hình đã nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện với diện tích khoảng 400 - 500ha/vụ. Giống lúa mới BDR27 và ANS1 có năng suất bình quân khoảng 65 - 75 tạ/ha, cao hơn giống lúa đang được người dân trồng đại trà là Malam202 khoảng 5 - 7 tạ/ha. Qua thời gian đưa vào sản xuất, các giống lúa mới có chất lượng khá tốt, thị trường đã bắt đầu đón nhận với giá bán khá cao, khoảng 6.000 đồng/kg. Hiện nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân nhằm nhân rộng diện tích trồng giống lúa mới.
Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng
Bên cạnh việc nhân rộng kết quả đề tài cấp cơ sở, huyện còn tích cực triển khai ứng dụng các kết quả đề tài cấp tỉnh đến người dân như: “Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm Tu Hài” tại các xã: Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Hưng, Vạn Thọ; “Nghiên cứu các yếu tố không bền vững trong nghề nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh và đề xuất các giải pháp khắc phục” tại các xã Vạn Thắng, Vạn Hưng, thị trấn Vạn Giã; áp dụng mô hình “Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng” tại xã Vạn Phú…
Ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, những năm gần đây, việc ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Nhiều giống lúa mới có chất lượng và năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương như: ANS1, BDR27, OM7347, Đài Thơm 8… được đưa vào sản xuất đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao; tạo ra một số vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng với diện tích lớn như tỏi, xoài, dừa… Đối với lĩnh vực thủy sản, huyện triển khai ứng dụng hiệu quả kết quả đề tài nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm sá sùng, nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng, ốc hương để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng KH-KT vào một số lĩnh vực chủ yếu nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch; tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học; đẩy mạnh ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để bổ sung kịp thời vào cơ cấu luân canh nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm; quan tâm triển khai các đề xuất đặt hàng về sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Tuần Lễ, xã Vạn Thọ”, “Tỏi sẻ Vạn Ninh”.
Khánh Hà