11:11, 09/11/2020

Một cựu chiến binh sản xuất giỏi

Tuy đã 70 tuổi nhưng cựu chiến binh Lê Quang Dưỡng (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) vẫn miệt mài lao động sản xuất. Nhiều năm liền, ông Dưỡng là tấm gương cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, đồng thời tích cực tham gia công tác thiện nguyện tại địa phương.



 

Tuy đã 70 tuổi nhưng cựu chiến binh (CCB) Lê Quang Dưỡng (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) vẫn miệt mài lao động sản xuất. Nhiều năm liền, ông Dưỡng là tấm gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, đồng thời tích cực tham gia công tác thiện nguyện tại địa phương.


Vươn lên từ kinh tế nông nghiệp


Một ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội CCB xã Suối Cát đến tham quan trang trại của CCB Lê Quang Dưỡng nằm phía tây khu dân cư thôn Tân Khánh, xã Suối Tiên, huyện Cam Lâm.

 

Mô hình nuôi heo gia công của ông Dưỡng mỗi năm  cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Mô hình nuôi heo gia công của ông Dưỡng mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.


Quê gốc của ông Dưỡng ở Hải Phòng. Ông nhập ngũ năm 1967 và vào miền Nam chiến đấu. Sau ngày thống nhất đất nước, ông chuyển ngành và công tác tại nông trường thuộc Trại heo giống cấp 1 Suối Dầu (nay là Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao). Ngày đó, ông đã khai hoang đất rừng xung quanh nông trường để trồng mía. Rồi ông nhận khoán, thuê thêm đất để mở rộng quy mô trồng mía có lúc đến hơn 75ha. Ông cũng là người đầu tiên ở địa phương tự mua ô tô để vận chuyển mía cho gia đình.


Ông Dưỡng chia sẻ: “Cây mía đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Về sau, do thời tiết ngày càng nắng hạn, giá mía bấp bênh nên tôi quyết định trả lại toàn bộ diện tích đất thuê, nhận khoán và cả phần khai hoang trước đây để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi heo gia công cho Công ty C.P và trồng cây ăn quả trên phần đất 5ha tạo lập được”. Hiện tại, ông xây dựng trại heo lạnh 4.000m2 với quy mô 1.200 con; phần diện tích còn lại, ông trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, từ nuôi heo gia công, mỗi năm mang lại cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng. Các vườn cây ăn quả cũng đã bắt đầu cho trái, rất hứa hẹn.


Với đức tính cần cù chịu khó, ông Dưỡng đã vươn lên làm giàu bằng những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả và trở thành tấm gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp Trung ương từ năm 2015 đến nay.


Nhiệt tâm làm thiện nguyện


Hiện tại, trang trại của ông Dưỡng tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động địa phương với tiền công trên dưới 7 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn họ đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên luôn được ông Dưỡng tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt trong cuộc sống. Thậm chí, có người còn được ông cho tiền mua xe máy để đi làm. Ông còn nhiệt tình tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn sản xuất cho nhiều CCB và người dân không tính lãi. Từ khi tạo lập trang trại ở xã Suối Tiên, ông Dưỡng đã chủ động đặt vấn đề với các ban, ngành của xã để mua 2 con bò giống tặng cho 2 hộ nghèo. Năm 2016, ông Dưỡng đã hỗ trợ xây dựng sân bê tông cho Trường Mầm non Vành Khuyên (xã Suối Cát) với chi phí gần 100 triệu đồng. “Tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần giúp đỡ 2 hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi bò sinh sản, cũng như giúp các cháu học sinh có một sân trường sạch sẽ để vui chơi, học tập tốt hơn”, ông chia sẻ.


Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Tuy tuổi đã cao nhưng CCB Lê Quang Dưỡng luôn là tấm gương sáng về lao động sản xuất cho các hội viên cũng như người dân địa phương. Bên cạnh đó, ông Dưỡng cũng là hội viên luôn gương mẫu đi đầu trong công tác hội, đặc biệt trong phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế và các hoạt động thiện nguyện tại địa phương”.


Thế Anh