10:10, 14/10/2020

Xã Diên Thọ: Chuyển đổi cây trồng trên đất đồi

Sau thời gian bị thua lỗ do keo rớt giá và chết khô vì hạn hán, hiện nay, nhiều hộ ở xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã chuyển đổi cây keo sang trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, người dân gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới và điện sản xuất.

 

Sau thời gian bị thua lỗ do keo rớt giá và chết khô vì hạn hán, hiện nay, nhiều hộ ở xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã chuyển đổi cây keo sang trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, người dân gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới và điện sản xuất.


Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân (thôn Cẩm Sơn) có khu đất vườn đồi rộng hơn 2,4ha, trồng đủ các loại cây ăn quả như: Xoài, mít, ổi và các loại rau màu. Ông Nhân cho biết, 4 năm trước, gia đình ông trồng keo phủ kín diện tích này. Tuy nhiên, đầu năm nay, do giá keo xuống thấp và hạn hán làm nhiều diện tích bị chết nên ông bán toàn bộ rẫy keo được 50 triệu đồng. Chưa tính tiền công trong 4 năm, chỉ tính tiền giống đã lỗ nặng. Vì vậy, thu hoạch keo xong, ông đầu tư gần 150 triệu đồng trồng cây ăn quả; đồng thời trồng xen canh một số loại rau màu để lấy ngắn nuôi dài.


Thu được 50 triệu đồng từ việc bán keo vẫn là may mắn của gia đình ông Nhân so với nhiều hộ trồng keo trong thôn. Gia đình ông Nguyễn Em (thôn Cẩm Sơn) trồng hơn 3ha keo. Đầu năm nay, khi rẫy keo của gia đình ông gần đến độ thu hoạch thì gặp hạn nặng, khiến keo bị chết khô, thậm chí ông gọi người đến để bán củi đốt cũng không ai mua. Được biết, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi héc-ta keo hơn 30 triệu đồng, gia đình ông Em đã thiệt hại gần 100 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công. Không muốn sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước trời, gia đình ông cũng như nhiều hộ trong thôn đã chuyển qua trồng cây ăn quả với các loại như: Bơ, mãng cầu, mít…

           
Chuyển đổi từ việc sản xuất keo dựa vào nước trời sang trồng cây ăn quả, người dân phải đầu tư khá nhiều vốn và công sức, đặc biệt là nguồn nước tưới và điện sản xuất. Để có nước tưới, phần lớn các hộ phải khoan giếng, đào hồ dự trữ từ nguồn nước tự chảy… với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Theo một hộ dân thôn Cẩm Sơn, gia đình vừa đầu tư hơn 120 triệu đồng để khoan giếng với độ sâu 130m; đồng thời phải đào thêm hồ để lắng do nước bị nhiễm vôi. Bên cạnh đó, các hộ cũng gặp khó khăn về điện để chạy máy bơm bởi các diện tích sản xuất đều nằm cách xa đường điện chính. Hiện nay, người dân sử dụng máy phát điện, một vài hộ đầu tư kéo đường điện nhưng chi phí rất cao. Người dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn.


Theo ông Nguyễn Chí Tiến - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ, tổng diện tích cây ăn quả của xã hiện nay là 149ha, tăng mạnh so với năm 2019 (109ha). Thời gian qua, do hạn hán kéo dài và giá thu mua không ổn định nên người dân trồng keo có thu nhập thấp. Trong năm, trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ cháy rừng với diện tích 29ha. Do việc sản xuất keo, mía không đem lại hiệu quả nên vừa qua, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Theo Quyết định 661 ngày 13-3-2017 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đất rừng sản xuất không nằm trong danh mục được Nhà nước hỗ trợ. Trong khi đó, đa số đất người dân chuyển đổi là đất rừng sản xuất có độ dốc dưới 15 độ nên không được hưởng hỗ trợ. Thời gian tới, xã sẽ điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ người dân.


Lãnh đạo xã cũng cho biết, hiện nay, một số hộ tự ý khoan giếng mà không báo cáo với chính quyền địa phương. Theo quy định, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khai thác nước dưới đất lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm với UBND cấp xã để báo cáo UBND huyện. Việc khoan giếng không được khảo sát kỹ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mạch nước ngầm. Tuy nhiên, đây là nhu cầu cấp thiết cho việc sản xuất nên xã đã tích cực tuyên truyền người dân phải khai báo với chính quyền địa phương khi thực hiện khoan giếng để lấy nước sản xuất. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác quản lý đối với vấn đề này.


Mai Hoàng