09:09, 03/09/2020

Xã Cam Thành Nam: Tìm giải pháp phát triển bền vững cây mãng cầu

Có nhiều ưu điểm phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây mãng cầu ta đang được xã Cam Thành Nam vận động nông dân lựa chọn để đầu tư sản xuất, dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả, đồng thời tạo chuỗi liên kết sản xuất mãng cầu bền vững.

Có nhiều ưu điểm phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây mãng cầu ta đang được xã Cam Thành Nam vận động nông dân lựa chọn để đầu tư sản xuất, dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả, đồng thời tạo chuỗi liên kết sản xuất mãng cầu bền vững.


Ông Phạm Văn Tâm (thôn Quảng Hòa) là một trong những người đi đầu phát triển mô hình trồng cây mãng cầu tại địa phương. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mãng cầu nên vụ nào gia đình ông cũng thu hoạch với sản lượng cao. Chỉ cần 6 sào đất, mỗi năm 2 vụ, cây mãng cầu đã cho thu hoạch từ 4-5 tấn/vụ, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Tâm cho biết: “Cây mãng cầu phát triển thuận lợi hơn so với những cây khác, không gặp rủi ro. Xã Cam Thành Nam thường xảy ra tình trạng nắng hạn, thiếu nước, trong khi cây mãng cầu chịu được nắng hạn nên hiện nay, nông dân đang phát triển loài cây này…”. Thấy được lợi thế từ việc trồng cây mãng cầu, ông Lê Văn Quân (thôn Quảng Hòa) cũng nhanh chóng chuyển đổi từ trồng xoài sang trồng mãng cầu. Ban đầu, ông chỉ chuyển đổi khoảng 3 sào, nhưng hiện nay đã mở rộng lên 6,5 sào. Theo ông Quân, trồng mãng cầu dễ hơn trồng xoài, thị trường tiêu thụ cũng dễ hơn.


Theo nhiều nông dân, cây mãng cầu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 2 năm trồng là cho lứa trái đầu tiên. Mùa thu hoạch chính của cây mãng cầu là tháng 6, 7 âm lịch hàng năm; ngoài ra, còn được thu hoạch thêm một vụ nữa vào tháng 3, 4. Giá mãng cầu tương đối ổn định, từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Cây mãng cầu có thể cho thu hoạch trái tới 20 năm người dân mới phải trồng lại. Đặc biệt, đây là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện vùng đất Cam Thành Nam... Với những ưu điểm trên, thời gian qua, UBND xã đã vận động người dân chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu. Hiện nay, trên địa bàn đã có hơn 15ha mãng cầu với 10 hộ trồng. Đến cuối năm 2020, xã phấn đấu chuyển đổi thêm 5ha.


Với xu hướng diện tích mãng cầu ngày một tăng, việc tìm hướng đi, tạo ra chuỗi liên kết để sản xuất cây mãng cầu mang tính bền vững là điều mong muốn của nhiều hội viên nông dân. Trước nhu cầu đó, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã tích cực thực hiện việc thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng mãng cầu để phát huy nội lực của hội viên, giúp hội viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra trên thị trường. Đây cũng là một trong những tiền đề cho việc thành lập hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân.


Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết: “Hội đang tiến tới thành lập một tổ hội trồng mãng cầu. Trong năm 2020, hội đã tập hợp được một số thành viên. Trước mắt, hội tiếp tục tuyên truyền cho hội viên thấy được lợi ích của việc tham gia các tổ hội nghề nghiệp như: được hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể đề suất những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết... Trên cơ sở đó, hội sẽ kiến nghị lên chính quyền cũng như các cấp hội để kịp thời hỗ trợ cho nông dân…”.


LÊ NGÂN