09:08, 20/08/2020

Khuyến cáo bệnh chết héo cây keo

Với khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện tượng cây keo chết héo gây thiệt hại nặng cho người trồng rừng, ngày 19-8, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân về phòng, chống loại bệnh nguy hiểm cho cây keo.

Với khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về hiện tượng cây keo chết héo gây thiệt hại nặng cho người trồng rừng, ngày 19-8, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân về phòng, chống loại bệnh nguy hiểm cho cây keo.


Theo đó, triệu chứng điển hình của bệnh chết héo cây keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.


Để phòng bệnh chết héo cây keo, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các chủ rừng hạn chế trồng keo ở nơi có lượng mưa bình quân trên 2.400mm/năm. Ở nơi đã xuất hiện bệnh cần xử lý thực bì, nên luân canh loài cây, giống cây giữa các chu kỳ, đặc biệt từ chu kỳ 2 trở đi. Có các giải pháp phòng tránh việc gây tổn thương cơ giới cho cây trồng, nhất là cây từ 1 đến 3 năm.


Khi cây bị bệnh, người trồng rừng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng, xác định tỷ lệ bị bệnh của lô rừng. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15%: Tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị bệnh, giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh; không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác.


Trong trường hợp tỷ lệ cây bị bệnh bình quân từ 16 đến 50%: Tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị chết héo. Đồng thời, áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác). Sử dụng một số loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb. Còn những lô rừng có tỷ lệ bị bệnh hơn 50%, chủ rừng tiến hành khai thác thanh lý.


Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 36.000ha rừng keo. Bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6.000ha keo. Với khuyến cáo của Bộ NN-PTNT và chỉ đạo của tỉnh, Sở NN-PTNT đã triển khai đến chi cục. Trên cơ sở đó, lực lượng kiểm lâm sẽ cùng với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức khuyến cáo đến các chủ rừng, hộ có rừng tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình rừng trồng của mình, kịp thời phát hiện và hỗ trợ người dân xử lý sớm khi có hiện tượng cây keo chết héo xảy ra.


H.Đ