Ngày 1-8, tại thị trấn Tô Hạp, Sở Công Thương và UBND huyện Khánh Sơn phối hợp tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản. Các siêu thị, doanh nghiệp tại Khánh Hòa cùng nông dân huyện Khánh Sơn đã bàn thảo hướng liên kết bao tiêu nông sản. Dự hội nghị có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 1-8, tại thị trấn Tô Hạp, Sở Công Thương và UBND huyện Khánh Sơn phối hợp tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản. Các siêu thị, doanh nghiệp (DN) tại Khánh Hòa cùng nông dân huyện Khánh Sơn đã bàn thảo hướng liên kết bao tiêu nông sản. Dự hội nghị có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Bấp bênh đầu ra
Đến nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 3.200ha cây ăn quả, trong đó có 1.500ha sầu riêng (hơn 500ha đã cho thu hoạch). Nông dân trên địa bàn cũng đã trồng được 330ha bưởi da xanh với sản lượng 115 tấn; 15ha măng cụt; 750ha chuối có sản lượng 22.000 tấn/năm; 10ha mía tím; 40ha quýt đường…
Hàng năm, cứ vào mùa trái cây, đặc biệt đối với loại trái cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, hàng chục thương lái đi khắp các vùng trồng để chốt giá với nhà vườn. Tổng sản lượng sầu riêng năm nay khoảng 4.000 tấn. Với giá thu mua bình quân 40.000 đồng/kg, doanh thu sầu riêng Khánh Sơn năm nay khoảng 160 tỷ đồng.
Tuy có giá trị kinh tế cao như vậy nhưng trái sầu riêng vẫn chủ yếu được các thương lái đơn lẻ thu mua với hình thức phổ biến nhất là mua nguyên vườn và chịu trách nhiệm thu hoạch trái. Nông dân chỉ việc cân lên tính tiền. Đây không phải là kênh phân phối có tính ổn định và chưa thực sự xứng tầm với loại trái cây có giá trị cao này.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, những năm gần đây, khi trình độ canh tác cây ăn quả được nâng lên, nông dân và chính quyền các cấp đều đã nỗ lực lo đầu ra cho các loại nông sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 17 đơn vị, thương lái chuyên tổ chức thu mua nông sản cho người dân. Tuy nhiên, đầu ra của các loại trái cây nơi đây vẫn khá bấp bênh, thiếu tính ổn định và bền vững. Nhiều năm qua, huyện và các sở chuyên môn đều tiến hành xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhiều DN lớn đến với Khánh Sơn để tìm kiếm cơ hội bao tiêu nông sản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nông sản Khánh Sơn vẫn chưa vào được các DN lớn.
Siêu thị đến với nông dân
Tại hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, đại diện siêu thị, DN và các tổ liên kết, hợp tác xã của huyện Khánh Sơn đã trao đổi về nhiều vấn đề vướng mắc trong tiêu thụ nông sản hiện nay. Ông Đoàn Văn Xứng - đại diện Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Sơn Hiệp chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm sầu riêng được các đơn vị thu mua tại vườn, tuy nhiên vẫn gặp nhiều vướng mắc về giá cả, vẫn còn cảnh được mùa mất giá. Tôi mong muốn kết nối với các siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho trái sầu riêng lúc được mùa cũng như khi mất mùa để nông dân yên tâm sản xuất”. Ngoài ra, một số nông dân cho rằng, với sản lượng thu hoạch lên đến hàng tấn nông sản cho một nhà vườn, nông dân không thể tự lựa chọn từng trái, bảo quản và vận chuyển đến các siêu thị. Đó cũng là lý do mà các nhà vườn lớn thường bán khoán cả vườn cho thương lái tự thu hoạch, tiêu thụ. Vì vậy, nông dân mong muốn siêu thị sẽ tổ chức thu mua tại vườn.
Đại diện các siêu thị như: Lotte Mart Nha Trang, Co.opmart Nha Trang, Vinmart Ninh Hòa, Big C Nha Trang… cũng trao đổi với nông dân về quy định, tiêu chuẩn sản phẩm đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, sản lượng có thể cung ứng cho siêu thị… Ông Võ Đình Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, ông muốn tìm hiểu về nông sản Khánh Sơn, phương thức canh tác có đáp ứng các yêu cầu về an toàn hay không, trao đổi với nông dân về hình thức hợp tác, liên kết để tiến tới hợp tác tổ chức lễ hội nông sản Khánh Sơn ngay tại siêu thị trong thời gian tới. Trong khi đó, đại diện siêu thị Vinmart Ninh Hòa cho biết, nông sản đưa vào siêu thị phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn, đặc biệt đối với trái sầu riêng có yêu cầu không được sử dụng hóa chất nhúng chín. Tuy nhiên, nếu thu mua các trái sầu riêng rụng sẽ không đáp ứng được về thời gian vận chuyển, tiêu thụ, dễ gây hư hỏng, tổn thất. Vì vậy, siêu thị mong muốn, nếu hợp tác tiêu thụ thì chính các nhà vườn phải tư vấn, hỗ trợ siêu thị trong việc xác định độ chín của sầu riêng để thuận lợi cho công tác bảo quản, tiêu thụ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Dịp này, đại diện các siêu thị và các hợp tác xã đã ký kết biên bản hợp tác. Tuy nhiên, để biên bản này biến thành những hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài, các siêu thị và nông dân còn phải làm việc cụ thể hơn để giải quyết những vướng mắc. Công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng là vấn đề cần được đưa ra bàn luận để có thể tiêu thụ được số lượng nông sản lớn, có thời gian thu hoạch ngắn như sầu riêng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quan tâm hỗ trợ Khánh Sơn về công tác xúc tiến thương mại; công nghệ sau thu hoạch; kỹ thuật chăm sóc cây; nghiên cứu, tạo giống mới để thay thế các loại giống dần thoái hóa. Các DN cần có sự kết nối với nông dân bằng cam kết tiêu thụ sản phẩm, hướng đến Nhà nước quản lý, nông dân sản xuất và DN tiêu thụ. Về phía huyện Khánh Sơn, ngoài việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, cần tiếp tục nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển đa dạng sản phẩm nông sản địa phương; tổ chức các mô hình trình diễn khoa học kỹ thuật cho nông dân tham quan học tập.
H.Dung - C.Định