12:08, 18/08/2020

Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã quan tâm phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất đem lại hiệu quả cao. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình này với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã quan tâm phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất đem lại hiệu quả cao. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình này với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.


Hiệu quả kinh tế cao


Gia đình ông Trần Đình Minh (thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng) có hơn 1ha đất rẫy. Nhiều năm trước, gia đình ông trồng keo, bạch đàn nhưng do khu vực này thiếu nước tưới, mưa ít nên cây phát triển èo uột. Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu năm 2019, ông xin chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Ông Minh cho biết: “Tôi đã vay mượn đầu tư lắp đặt hơn 2.700 tấm pin năng lượng mặt trời và đấu nối hòa lưới điện quốc gia. Phần khoảng không dưới giàn pin năng lượng tôi làm chuồng nuôi thỏ, trùn quế và trồng dứa. Tổng chi phí đầu tư mô hình hơn 18 tỷ đồng. Bước đầu, mô hình mang lại thu nhập cho gia đình hơn 300 triệu đồng/tháng. Gia đình đang tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình và kết hợp trồng nấm”.


Ở thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng), trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn bộ 3ha đìa tôm được gia đình ông đầu tư bài bản, đổ bê tông chia thành 13 hồ nuôi lót bạt. Hệ thống đường ống dẫn nước, lọc nước được bố trí rất khoa học và tính toán tỉ mỉ. Nước thải được xử lý qua 3 hồ lọc trước khi thải ra môi trường; nước bơm vào hồ nuôi được xử lý theo quy trình khép kín. Con giống được mua ở các cơ sở có uy tín, nguồn thức ăn được lấy từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Trung bình 1 hồ có diện tích hơn 400m2 được gia đình ông thả nuôi hơn 15 vạn con tôm, sau 80 đến 90 ngày, tôm đạt trọng lượng 28 đến 30 con/kg. Với mô hình này, mỗi năm, gia đình ông thu được hơn 100 tấn tôm, xuất bán thu lợi hơn 15 tỷ đồng/năm. Ông Tuấn cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên việc nuôi tôm của gia đình rất nhàn và bảo đảm môi trường, không lo dịch bệnh. Tôm phát triển mạnh, đạt cỡ lớn, các công ty chế biến thủy sản rất ưa chuộng nên không lo đầu ra…


Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, những năm qua, huyện luôn khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, áp dụng công nghệ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Nhiều giống lúa mới được trồng thử nghiệm cho năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương như: ANS1, BĐR27, OM7347, Đài Thơm 8... được đưa vào sản xuất đại trà. Mô hình sản xuất tỏi theo hướng VietGAP được Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng thực hiện rất thành công. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ xử lý đảm bảo chất lượng nguồn nước, vệ sinh môi trường, ứng dụng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất an toàn giúp tăng năng suất. Nhiều trang trại trồng trọt, trang trại tổng hợp được đầu tư với quy mô tương đối lớn, kết hợp với sản xuất điện năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Tiếp tục nhân rộng


Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, những năm tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất hàng hóa tập trung, lấy hiệu quả sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường; chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.


Cùng với đó, huyện tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản để làm nền tảng xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại; tạo điều kiện tối đa cho phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường trong và ngoài huyện. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất; cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả, tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cho ngành hàng; thường xuyên tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và xử lý chất thải trong chăn nuôi...


VĂN GIANG