Phát triển chế biến trong nông nghiệp góp phần giúp nông dân hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tuy vậy, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp ở Khánh Hòa vẫn còn khá hạn chế, nhiều loại nông sản đang chủ yếu bán tươi.
Phát triển chế biến trong nông nghiệp góp phần giúp nông dân hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tuy vậy, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp ở Khánh Hòa vẫn còn khá hạn chế, nhiều loại nông sản đang chủ yếu bán tươi.
Chưa đồng đều
Theo thống kê, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 2.023 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: yến sào, thủy sản đông lạnh, nước mắm, cà phê, gỗ… Ngành chế biến nông lâm thủy sản đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến lĩnh vực nông nghiệp cũng đang có bước phát triển đáng ghi nhận. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 368 máy kéo công suất 35 mã lực trở lên, gần 3.000 máy kéo công suất nhỏ hơn, chưa kể hàng nghìn máy thu hoạch lúa, chế biến gỗ, sấy nông sản… Đến nay, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất là 100%, tưới 35%, thu hoạch hơn 80%, vận chuyển 73,47%, chế biến gỗ 100%....
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy chế biến trong nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chưa đồng đều. Ngành chế biến đang tập trung vào thủy sản, cà phê..., trong khi công nghiệp chế biến rau củ, quả, lương thực chưa xứng tầm. Những năm gần đây, hạt gạo được sản xuất tại Khánh Hòa đang dần gây dựng được chỗ đứng trên thị trường thông qua việc liên kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Ngoài sản xuất giống theo đơn đặt hàng, việc sản xuất lúa cho ra hạt gạo chất lượng cao đang là hướng đi đầy triển vọng. Thương hiệu gạo Ngọc Quang là một ví dụ. Ở lĩnh vực rau xanh, thương hiệu rau sạch Hiệp Nông Phát ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa đã có mặt ở rất nhiều bếp ăn của các trường học trên địa bàn Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh cũng như một số kệ hàng siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn tỉnh. Tuy vậy, những thương hiệu kể trên còn khiêm tốn. Nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, bưởi, táo… hầu như vẫn bán tươi. Giá các nông sản này vì thế cũng bấp bênh, thiếu ổn định.
Chế biến thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Còn nhớ cách đây 1 năm, khi lãnh đạo tỉnh làm việc với một số xã cánh tây của thị xã Ninh Hòa, chính quyền và người dân nơi đây đều mong muốn tỉnh, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, giúp đỡ tìm ra cây trồng, vật nuôi phù hợp. Sau đó, một số loại cây trồng đã được nhắc tới. Trong đó, cây mít tỏ ra phù hợp với đặc tính dễ trồng, không tốn quá nhiều chi phí đầu tư, không cần nhiều nước tưới và cho thu nhập ổn định với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg. Bình quân mỗi cây mít cho thu hoạch khoảng 10kg quả/tháng. Nhiều người nhắc đến cây dừa với khả năng chịu hạn tốt và thu nhập đều đặn hàng tháng, không chỉ giải quyết được thu nhập trước mắt mà nếu trồng tới hàng trăm cây thì có thể làm giàu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi một loại cây trồng phát triển mạnh, nông dân được mùa thì giá cả lại bị kéo xuống thấp. Đơn cử như trái xoài Úc, thời điểm diện tích còn ít, giá loại xoài này tại vườn có lúc lên tới 50.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Nhưng khi người dân phát triển lên hàng nghìn héc-ta thì giá cả giảm xuống chỉ còn chưa đầy một nửa. Mùa xoài 2020, xoài Úc đẹp giá cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, loại 2 chỉ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Nhắc đến để thấy, thúc đẩy chế biến sâu trong nông nghiệp đang là con đường duy nhất nhằm hạn chế tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa đang xảy ra trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Việc hình thành nên các nhà máy chế biến nông sản còn giúp nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất. Công nghiệp chế biến còn đòi hỏi khắt khe hơn về quy trình trồng an toàn, cơ giới hóa trong thu hoạch và hỗ trợ tốt khâu bảo quản, hạn chế tổn thất sau thu hoạch, để từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn giúp nông dân thay đổi quan niệm về sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khắc phục những bất cập trên, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, Đề án Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Công Định