Nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích rừng trồng của các đơn vị chủ rừng nhà nước chết khô. Theo nhận định của lãnh đạo các đơn vị, năm nay, thiệt hại rừng trồng, diện tích rừng bị chết rất lớn.
Nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích rừng trồng của các đơn vị chủ rừng nhà nước chết khô. Theo nhận định của lãnh đạo các đơn vị, năm nay, thiệt hại rừng trồng, diện tích rừng bị chết rất lớn.
Rừng trồng bị thiệt hại lớn
Thời gian gần đây, tuy một số khu vực ở các địa phương như: Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Ranh đã lác đác có mưa nhưng lượng mưa chưa đủ để giúp cho diện tích rừng trồng vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng phòng Kỹ thuật và Bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết: “Trong lâm phận của công ty, diện tích rừng bị chết nhiều nhất được trồng năm 2019. Qua khảo sát của chúng tôi, khoảng 30% trong tổng số gần 290ha rừng trồng phòng hộ và khoảng 20% trong tổng số hơn 473ha rừng trồng sản xuất của đơn vị bị chết do nắng hạn. Rừng bị chết theo vạt, chủ yếu ở những khu vực chân đất có nhiều đá”.
Mới đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra diện tích rừng trồng phòng hộ giai đoạn 2015 - 2018 tại khu vực xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm). Qua kiểm tra 213ha rừng dọc tuyến đường đèo Khánh Sơn, tùy theo khu vực, năm trồng mà tỷ lệ cây chết cao hay thấp. Có những lô rừng trồng tỷ lệ cây chết lên đến 60%, lô ít cũng đến 20%. Ngoài khu vực này, diện tích rừng trồng phòng hộ được trồng trong giai đoạn 1997 - 2012 tại xã Sơn Tân (Cam Lâm) cũng bị chết rải rác từng đám.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoại trừ diện tích rừng trồng tại địa bàn huyện Khánh Sơn ít bị chết do nắng hạn, tại các địa phương khác trong tỉnh, diện tích rừng trồng bị thiệt hại do nắng hạn rất lớn. Không chỉ có rừng trồng phòng hộ, rừng sản xuất của các chủ rừng nhà nước, nhiều diện tích keo của các hộ gia đình ở Ninh Hòa, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Diên Khánh… cũng bị chết theo kiểu “da beo”.
Tập trung phòng cháy
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, nguyên nhân của tình trạng này là do nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay. Sinh trưởng, phát triển của cây rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước dẫn đến khô héo, chết không có khả năng phục hồi, thiệt hại về kinh tế rất lớn (do cây chết còn nhỏ, không tận thu được). Điều đáng lo hơn là nguy cơ cháy rừng tại những diện tích rừng bị chết khô này rất cao do nguồn vật liệu dễ cháy nhiều thêm.
Mới đây, tại khu vực Suối Trầu (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) xảy ra vụ cháy rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. Do những cánh rừng này bị chết khô rất nhiều nên khi bị cháy, chỉ trong một thời gian ngắn lửa bắt rất nhanh, cháy lan trên diện rộng, không thể cứu chữa được. Đại diện chủ rừng cho biết, đơn vị đang tập trung toàn lực để phòng cháy đối với những diện tích rừng có hiện tượng chết khô từng vạt, nhất là ở xã Ninh Sơn, Ninh Tây… (Ninh Hòa) và một số địa phương khác tại huyện Vạn Ninh.
Ngoài việc tập trung phòng cháy, các đơn vị chủ rừng nhà nước đang chuẩn bị cây giống để chờ mưa xuống sẽ tiến hành trồng dặm đối với những diện tích rừng bị thiệt hại. Đơn cử, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương đã chuẩn bị hơn 368.000 cây giống để trồng dặm.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hạn hán đang diễn ra khắc nghiệt tại nhiều địa phương trong tỉnh; tỷ lệ cây chết cao, nguy cơ cháy rừng rất lớn, nhất là những diện tích rừng trồng 1 - 3 năm tuổi chưa khép tán. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm suy giảm tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay là cao điểm mùa khô, các đơn vị chủ rừng cần đặc biệt lưu ý công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là các diện tích rừng trồng sát với nương rẫy của người dân, rừng có tỷ lệ cây chết nhiều, bởi các vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian gần đây đều có liên quan đến những đối tượng rừng này.
HẢI LĂNG