Nắng nóng kéo dài đã khiến cho các đồng cỏ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm cháy khô, nông dân phải ngược xuôi tìm kiếm thức ăn cho trâu, bò. Dự báo mùa khô năm nay, nguồn nước cho chăn nuôi gia súc ở địa phương cũng sẽ khó khăn.
Nắng nóng kéo dài đã khiến cho các đồng cỏ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cháy khô, nông dân phải ngược xuôi tìm kiếm thức ăn cho trâu, bò. Dự báo mùa khô năm nay, nguồn nước cho chăn nuôi gia súc ở địa phương cũng sẽ khó khăn.
Những ngày qua, ngày nào ông Nguyễn Văn Bi (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) cũng lùa đàn bò 7 con của gia đình ra ven rừng để cho ăn. Thế nhưng, những vạt cỏ cuối cùng cạnh suối cũng đã bắt đầu cháy khô. Thiếu bãi cỏ nên dù đi kiếm ăn cả ngày nhưng con nào bụng cũng đói. “Trước đây, khi thời tiết không hạn nặng thì ven suối, dưới tán rừng keo cỏ mọc đầy, chỉ cần sáng lùa bò ra, chiều lùa về con nào cũng ăn no căng bụng. Gần 2 tháng nay, chiều nào tôi cũng phải tranh thủ đi lên tận huyện Khánh Sơn để kiếm cỏ, kiếm chuối về trộn với cám cho bò ăn”, ông Bi nói.
Theo thống kê của UBND xã Cam Phước Tây, trên địa bàn có hơn 1.500 con trâu, bò, được nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Trời ít mưa từ cuối năm 2019 kéo dài đến tận thời điểm này đã khiến cho đồng cỏ cháy khô; nguồn thức ăn trong tự nhiên đang khan hiếm dần, nhiều hộ nuôi bò đã bắt đầu phải kiếm thêm nguồn thức ăn cho trâu, bò. “Ngoài số ít hộ có trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò thì hiện nay, nhiều hộ tranh thủ đồng lúa vừa thu hoạch xong, tích trữ rất nhiều rơm. Một số hộ còn tận dụng thân chuối cây, mua cám trộn vào để làm thức ăn cho trâu bò”, ông Lê Tấn Long - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho hay.
Xã Cam An Bắc có hơn 300 con trâu, bò. Cỏ cháy khô, người dân địa phương phải đến các xã khác để mua rơm về tích trữ cho bò ăn. Ông Lê Viết Thương - người dân địa phương cho biết: “Gia đình tôi có 6 con bò, cứ mỗi buổi chiều, khi đưa bò về chuồng lại cho ăn thêm khoảng 1 cuộn rơm. Vì ở Cam An Bắc nguồn rơm khan hiếm nên các hộ chăn nuôi phải mua từ các xã: Cam Hòa, Cam Tân…, mỗi cuộn có giá 30.000 đồng”.
Theo người chăn nuôi ở xã Cam Tân, Sơn Tân và nhiều địa phương khác ở huyện Cam Lâm, hiện nay chưa phải là cao điểm mùa khô hạn mà nắng đã gay gắt, kéo dài. Các hộ chăn nuôi trâu, bò đã phải ngược xuôi tìm thêm thức ăn cho gia súc. Không chỉ vậy, điều người dân lo lắng là nguồn nước suối ở nhiều nơi đã kiệt dòng, nước giếng cũng bắt đầu cạn khô; vì vậy, nguồn nước dành cho hơn 8.100 con trâu, bò trong toàn huyện trong những tháng cao điểm mùa khô là rất khó khăn.
Ông Đặng Chí Liêm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho hay: Mùa mưa năm 2019, lượng mưa thiếu hụt đã khiến cho tình trạng hạn hán năm nay trên địa bàn huyện Cam Lâm được dự báo sẽ rất khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Hiện nay, nhiều khu vực đồng cỏ dành cho chăn nuôi trâu bò đã cháy khô, thức ăn tự nhiên trở nên khan hiếm. Để đảm bảo thức ăn cho chăn nuôi, nông dân đã tranh thủ tận dụng thêm các phụ phẩm. Ngoài ra, một vấn đề đáng lo nữa là tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra trên diện rộng do nắng hạn. Cam Lâm đã chỉ đạo các địa phương cải tạo các ao, giếng cũ, nạo vét kênh mương, đào mới một số ao dọc các con suối để tìm nguồn nước cho gia súc…
HẢI LĂNG