Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh đã xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi mang lại hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, qua mô hình, các thông tin về kỹ thuật, cách chăm bón được người trồng và cán bộ kỹ thuật trao đổi thông qua mạng xã hội, giúp giảm chi phí, thời gian.
Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi mang lại hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, qua mô hình, các thông tin về kỹ thuật, cách chăm bón được người trồng và cán bộ kỹ thuật trao đổi thông qua mạng xã hội, giúp giảm chi phí, thời gian.
Sau chuyến ghe khoảng 1 giờ từ thị trấn Vạn Giã, chúng tôi đến xóm Ba Non (thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) khi những ruộng tỏi nơi đây chuẩn bị bước vào thu hoạch. Ông Võ Đình Tuấn, 1 trong 3 hộ trồng tỏi của xóm Ba Non được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh chọn thí điểm xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi cho biết, vụ tỏi này ông sản xuất 5.000m2 và sử dụng 1.500m2 để thực hiện mô hình tủ rơm. Trong quá trình chăm sóc, nhận thấy cây tỏi phát triển tốt hơn so với tỏi trên ruộng không tủ rơm nên ông áp dụng mô hình trên toàn bộ diện tích sản xuất tỏi. Quá trình triển khai, ông đã được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn cách chăm sóc tỏi. Do cách trở về địa lý nên hàng tuần, ông đều chụp ảnh quá trình sinh trưởng của cây tỏi gửi qua mạng xã hội Zalo để cán bộ kỹ thuật nắm bắt tình hình phát triển, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc tỏi. Nhờ đó, hiệu quả mang lại của vụ tỏi này đạt cao, năng suất cao hơn so với mọi năm khoảng 50%.
Cùng thực hiện mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi như hộ ông Tuấn, ông Huỳnh Đức Đủ rất phấn khởi khi hiệu quả mang lại của mô hình tủ rơm trên diện tích 1.500m2 ruộng tỏi rất khả quan. Quan trọng hơn, ông đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc tỏi đạt hiệu quả, tiết giảm chi phí, hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Trước đây canh tác tỏi, cứ 7 ngày ông Đủ phun thuốc cho tỏi một lần; bây giờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, khi nào có sâu bệnh ông mới phun thuốc; khi thấy dấu hiệu bệnh thì chụp hình gửi qua Zalo trạm để được hướng dẫn thêm. “Thực hiện mô hình tủ rơm đã giúp gia đình giảm chi phí tưới tiêu, thuốc trừ sâu và công lao động”, ông Đủ nói.
Niên vụ tỏi 2019 - 2020, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh đã xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi tại xóm Ba Non trên diện tích 4.500m2. Ông Nguyễn Đình Cẩm - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, do cách trở về địa lý nên trạm đã thực hiện việc hướng dẫn chăm sóc tỏi thông qua tương tác trên mạng xã hội Zalo. Theo đó, cán bộ kỹ thuật ra trực tiếp hướng dẫn cách làm đất và cây tỏi từ khi xuống giống đến các giai đoạn sinh trưởng đều được người trồng tỏi chụp ảnh, gửi đến cán bộ kỹ thuật hàng tuần để theo dõi sinh trưởng và sâu bệnh, trên cơ sở đó sẽ có tương tác hướng dẫn với người trồng tỏi biện pháp xử lý sâu bệnh, cách phun thuốc hiệu quả. Ngoài ra, hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của trạm sẽ trực tiếp ra Ba Non để kiểm tra tại từng chân ruộng đang thực hiện mô hình. Qua khoảng 4 tháng triển khai, mô hình trên đã phát huy hiệu quả khi năng suất thu hoạch ban đầu cao hơn từ 20 đến 30% so với trước. Mô hình còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất về phân, thuốc trừ sâu, tưới tiêu, đồng thời đã làm thay đổi tập quán canh tác của người trồng tỏi Ba Non, không còn lạm dụng thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất tỏi, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Cẩm cho biết, từ hiệu quả ban đầu của mô hình tại Ba Non, thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình này trong công tác quản lý, chăm sóc cây trồng trên địa bàn huyện thông qua mạng xã hội.
Thanh Hải