12:08, 06/08/2019

Biến phế liệu thành sản phẩm mỹ nghệ

Nhiều năm qua, chị Lê Thị Thu Huyền (thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cùng một số phụ nữ địa phương đã khéo léo biến những chiếc khoen lon nước ngọt thành các mặt hàng mỹ nghệ, mang lại thu nhập cho bản thân cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều năm qua, chị Lê Thị Thu Huyền (thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cùng một số phụ nữ địa phương đã khéo léo biến những chiếc khoen lon nước ngọt thành các mặt hàng mỹ nghệ, mang lại thu nhập cho bản thân cũng như góp phần bảo vệ môi trường.


Chị Huyền cho biết, chị làm mỹ nghệ đã được 10 năm, ban đầu với vật liệu là hạt cườm. Hạt cườm được các chị đan thành những mặt hàng mỹ nghệ: giỏ xách, khăn trải bàn… Tuy nhiên, qua thời gian làm, chị Huyền nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao do giá thành nguyên vật liệu đầu vào cao. Từ đó, chị nghĩ đến những những vật dụng hàng ngày bị bỏ đi sau khi sử dụng để làm vật liệu thay thế cho hạt cườm. Đầu tiên là những ống hút bằng nhựa được chị thu gom từ các quán nước để làm giỏ hoa, lẵng hoa nhưng hiệu quả mang lại không cao do sản phẩm chỉ tiêu thụ được vào thời điểm Tết. Nhận thấy khoen lon bia, nước ngọt sau khi đã sử dụng được bỏ đi nhiều, vì vậy, chị có ý tưởng đưa khoen lon vào làm mỹ nghệ từ năm 2016.

 

Chị Lê Thị Thu Huyền đang kiểm tra sản phẩm sau khi đã hoàn thành.

Chị Lê Thị Thu Huyền đang kiểm tra sản phẩm sau khi đã hoàn thành.


Chị Huyền cho biết, để làm ra các mặt hàng mỹ nghệ, chị và các thành viên trong nhóm phải đi thu gom các khoen lon tại địa phương, sau đó đem về làm sạch. Các sản phẩm đều được các chị tự tay thiết kế mẫu và đan, cũng như thực hiện công đoạn may, hoàn thiện sản phẩm, trong đó công đoạn thiết kế và đan các mẫu mất nhiều thời gian nhất. Có nhiều sản phẩm phải làm cả tuần mới hoàn thiện công đoạn này. Các sản phẩm làm ra rất đa dạng như: ví, giỏ xách, khăn trải bàn, áo khoác… Để tạo ra nhiều loại sản phẩm, chị Huyền phải tự mày mò, nghiên cứu, làm đi làm lại nhiều lần rồi truyền nghề cho các chị em khác. Hiện nay, sản phẩm làm ra của nhóm chủ yếu được bán tại các chợ và một số cá nhân, tổ chức nhận đặt hàng với mức giá dao động từ 100.000 - 800.000 đồng/sản phẩm. “Bên cạnh tạo sinh kế cho phụ nữ tại địa phương, tôi luôn hướng đến việc nâng cao nhận thức của mọi người về chung tay bảo vệ môi trường”, chị Huyền nói.


Chị Ngô Thị Xuân Tùng (thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) cho biết, chị làm hàng mỹ nghệ tại nhóm của chị Huyền đã hơn 5 năm. Đối với người bắt đầu học nghề thì học khoảng 1 tuần mới biết đan, còn để làm thành thạo các sản phẩm cần phải học lâu hơn nhiều. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị dành 3 đến 4 buổi chiều mỗi tuần để cùng làm mỹ nghệ với nhóm chị Huyền. Công việc này mang lại thu nhập thêm cho gia đình chị khoảng 2 triệu đồng/tháng.


Bà Trần Thị Thanh Lam - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho biết, hội đánh giá rất cao ý tưởng dùng khoen lon để làm các sản phẩm hàng mỹ nghệ của chị Huyền. Việc làm này không chỉ mang lại thu nhập cho phụ nữ trong xã mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chị Huyền còn là Chi hội trưởng Phụ nữ gương mẫu của thôn Xuân Tự 2, rất tích cực trong các hoạt động của hội, nhất là tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc đối tượng yếu thế như: phụ nữ đơn thân, neo đơn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng việc vận động xây dựng các mái ấm, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Với cách làm sáng tạo của chị Huyền, thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích, nhân rộng trong các chi hội phụ nữ.


THANH HẢI