09:06, 03/06/2019

Đảm bảo giống tốt và đầu ra cho hải sâm

Đó là những mục tiêu chính của Dự án "Nâng cao kỹ năng sản xuất hải sâm dựa vào cộng đồng", do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 (RIA3) thực hiện tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.

Đó là những mục tiêu chính của Dự án “Nâng cao kỹ năng sản xuất hải sâm dựa vào cộng đồng”, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 (RIA3) thực hiện tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.


Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp tham quan địa điểm triển khai dự án tại Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung, thuộc RIA3. Trên diện tích chừng 10ha, các nhà khoa học đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất giống hải sâm và thử nghiệm nuôi hải sâm thương phẩm.

 

Hải sâm cát sau 6 tháng nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung.

Hải sâm cát sau 6 tháng nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung.


Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung, chủ nhiệm dự án cho biết, dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ. Những năm trước, ACIAR đã hỗ trợ RIA3 nhiều dự án khác nhau, chủ yếu là nghiên cứu cải tiến sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm. Dự án ACIAR mới này bắt đầu từ năm 2019 và kết thúc vào năm 2023, tập trung nghiên cứu các mô hình nuôi kết hợp hải sâm cát với các đối tượng khác một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.


Tại ao nuôi thử nghiệm hải sâm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy đã vớt được 5 con hải sâm có chiều dài khoảng 10cm, thuôn tròn như quả dưa chuột, toàn thân đen bóng. Ông cho biết, hải sâm sau quá trình ương giống đạt chiều dài khoảng 2 - 3cm, nặng khoảng 2 - 3g là có thể thả nuôi; sau 8 - 10 tháng nuôi, hải sâm đạt kích cỡ thương phẩm từ 250 đến 300g. “Kỹ thuật nuôi hải sâm cát cũng khá đơn giản, ít công chăm sóc, đầu tư con giống và thức ăn thấp vì hải sâm cát sử dụng chủ yếu nguồn thức ăn là các loài tảo trong nước và mùn bã hữu cơ trong nền đáy. Cũng nhờ đặc tính này, hải sâm đồng thời là chiếc máy lọc nước tự nhiên và là “máy cày sinh học” giúp nền đáy sạch hơn, hạn chế ô nhiễm nước và đáy ao nuôi. Vì vậy, loài hải sản mà dân gian vẫn gọi là đỉa biển này thường được nuôi kết hợp với những đối tượng khác như: ốc hương, tôm, cá, rong nho…, bởi chúng có tính chất hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển”, Tiến sĩ Duy chia sẻ.


Đối với mô hình nuôi kết hợp ốc hương - hải sâm, trong 6 tháng nuôi, hải sâm đạt trọng lượng phổ biến là 300g/con và ốc hương là 150 con/kg. Cả 2 đối tượng đều phù hợp với điều kiện sinh thái vùng duyên hải miền Trung. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy cho biết, hiện nay, mô hình đã được triển khai thử nghiệm trên diện tích khoảng 2ha tại các hộ và đang phát triển rất tốt. Đó là cơ sở để tin rằng, trong thời gian tới, hoạt động ương nuôi, cung cấp giống hải sâm cho cộng đồng ven biển, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm, đặc biệt là vấn đề đầu ra của hải sâm sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.


Trên thực tế, hải sâm cát không phải là đối tượng nuôi xa lạ với hầu hết các hộ nuôi trồng hải sản tại Khánh Hòa, nhất là ở khu vực đầm, vịnh, bãi cạn… kín gió. Đặc biệt ở khu vực phía nam tỉnh như: Cam Ranh, Cam Lâm, nguồn hải sâm tự nhiên tương đối dồi dào, người dân đánh bắt hải sâm trong tự nhiên về bán lại cho người nuôi và các thương lái. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, do việc đánh bắt không có kế hoạch nên hải sâm cát trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Hoạt động khai thác, nuôi hải sâm cũng lắng dần.


Được biết, hải sâm có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng nhiều trong y học, được thị trường thế giới ưa chuộng, nhất là khu vực Đông Nam Á. Một ký hải sâm chế biến khô trên thị trường hiện được bán với giá từ 200 đến 400USD. Vì thế, bên cạnh việc nghiên cứu để đưa ra con giống đảm bảo, quy trình nuôi khoa học, dự án còn tập trung kết nối với thị trường chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước để đảm bảo đầu ra cho hải sâm.


Hồng Đăng