Ngày 4-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50 về chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Khánh Hòa đã triển khai chính sách này từ năm 2017 nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 4-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định (QĐ) số 50 về chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Khánh Hòa đã triển khai chính sách này từ năm 2017 nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Lựa chọn 3 hạng mục
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), danh mục hỗ trợ theo QĐ 50 có nhiều nhưng khi áp dụng vào điều kiện của tỉnh chỉ chọn được 3 hạng mục hỗ trợ là: phối giống nhân tạo bò (cung cấp 2 liều tinh/bò sinh sản/năm); cung cấp bò đực giống (20 triệu đồng/con) và xử lý chất thải chăn nuôi (biogas) 5 triệu đồng/hộ. Chi cục Chăn nuôi và thú y được giao nhiệm vụ triển khai chính sách hỗ trợ phối giống thụ tinh nhân tạo bò, Trung tâm Khuyến nông triển khai chính sách hỗ trợ bò đực giống và xử lý chất thải.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) cho biết, gia đình bà vừa được hỗ trợ 5 triệu đồng xây dựng 1 hầm biogas để chăn nuôi 14 con heo thịt. Hiện tại, hầm biogas hoạt động tốt, hầm không bị rò rỉ khí gas hay nước thải chảy ra ngoài gây ô nhiễm. Bà mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình bà có điều kiện xây hầm biogas bảo vệ môi trường.
Mấy tháng nay, ông Trần Lực (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) hài lòng với chú bê mua từ Trung tâm Nghiên cứu chăn nuôi gia súc lớn Bình Dương do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ. Xuân Sơn là xã nghèo, điều kiện chăn nuôi khó khăn, tỷ lệ bò lai thấp. Có thêm 1 bò đực giống mang về khu vực này tạo thuận lợi cho đàn bò lai phát triển, giảm dần tỷ lệ bò cỏ địa phương nhỏ con, hiệu quả kinh tế thấp. “Bò tăng trọng đều và có thể phối giống. Giá Nhà nước hỗ trợ là 20 triệu đồng/con bê đực, gia đình đối ứng hơn 20 triệu đồng. Tuy kinh phí đối ứng cao hơn so với giá dự kiến ban đầu nhưng tôi rất vui vì có thêm nguồn giống ngoại phối giống cho bò địa phương”, ông Lực nói.
Tương tự, việc hỗ trợ hộ chăn nuôi bò bằng cách thụ tinh nhân tạo cũng tạo được sự khích lệ lớn, hộ nuôi bò nái phấn khởi vì có thêm nguồn gen ngoại phục vụ lai tạo đàn bò.
Không đạt kế hoạch
Theo kế hoạch, mỗi năm, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 105 công trình biogas, cung cấp 25 bò đực giống để phối giống trực tiếp tại địa bàn khó khăn, đồng thời hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, 2 năm qua không có năm nào đạt kế hoạch đề ra.
Ông Trần Phú Cường - Trung tâm Khuyến nông cho biết, năm 2018, trung tâm hỗ trợ 25 bò đực giống, tổng kinh phí 500 triệu đồng, dự kiến thực hiện tháng 7-2018, giá bò 40 - 42 triệu đồng/con (trọng lượng 275 - 285kg/con). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do nhiều yếu tố khách quan nên cuối tháng 10 đơn vị mới thực hiện. Lúc này, trọng lượng bò đã tăng đáng kể (310 - 330kg/con), kinh phí đội thêm 5 - 10 triệu đồng/con dẫn tới một số hộ không đủ tiền đối ứng. Vì thế, năm 2018, đơn vị chỉ hỗ trợ được 12 bò đực giống, đạt 48% kế hoạch (năm 2017 hỗ trợ 11 bò đực giống).
Theo QĐ 1191 ngày 9-5-2016 của UBND tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ chính sách chăn nuôi cho hộ nông dân giai đoạn 2015 - 2020 hơn 8,8 tỷ đồng. Trong đó: phối giống nhân tạo bò hơn 3,5 tỷ đồng; mua bò đực giống 2,5 tỷ đồng; xây hầm biogas hơn 2,6 tỷ đồng. Khi triển khai, Nhà nước hỗ trợ hộ dân 100% kinh phí phối giống nhân tạo bò, 50% kinh phí mua bò đực giống và xây hầm biogas. |
Hạng mục biogas cũng không đạt kế hoạch. Năm 2018, tỉnh quyết định hỗ trợ 75 hầm nhưng chỉ thực hiện được 73 hầm, đến nay, 3 hộ chưa quyết toán xong. Kết quả hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò cũng không đạt kế hoạch. Năm 2018 hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho 3.634 con bò, đạt 72% kế hoạch.
Lý giải về tình trạng này, lãnh đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ cho rằng: Chính sách hỗ trợ theo QĐ 50 còn nhiều bất cập. Đây là chương trình đặc thù cho hộ nông dân nên không có kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; mạng lưới thú y viên, dẫn tinh viên hiện nay do địa phương trả lương, quản lý nên không mặn mà với chương trình. Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp, giá cả sản phẩm chăn nuôi bấp bênh nên khó thu hút hộ tham gia mô hình. “Tuy gặp nhiều khó khăn, rất cần tháo gỡ nhưng chương trình thiết kế “cứng” theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT nên không thể kiến nghị gì hơn”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết.
Liên quan đến việc tỉnh triển khai chậm, ông Thắng cho rằng, tuy QĐ 50 ban hành năm 2014 nhưng đến cuối năm 2015 mới có thông tư hướng dẫn, giữa năm 2016 tỉnh mới xây dựng xong kế hoạch nên năm 2016 không thể bố trí vốn được. Vì vậy, đến năm 2017 mới triển khai.
P.LÂM