Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, hoạt động nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung các cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trong vùng, thâm canh tăng năng suất, sản lượng và phát triển theo hướng an toàn phục vụ phát triển đô thị, du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, hoạt động nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung các cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trong vùng, thâm canh tăng năng suất, sản lượng và phát triển theo hướng an toàn phục vụ phát triển đô thị, du lịch.
Tín hiệu phục hồi
Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 13.760ha, chỉ bằng 90,6% kế hoạch. Thế nhưng, điều đáng mừng, đây là năm thắng lớn của cây sầu riêng khi giá thu mua đạt cao, phổ biến 50.000 đồng/kg tại vườn và năng suất thuộc diện lớn nhất từ trước đến nay. Gần 1.000ha bưởi da xanh vẫn duy trì được vị thế của cây trồng chủ lực, đã và đang hứa hẹn tiếp tục là cây trồng “đổi đời” cho nông dân, nhất là người dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Với cây xoài, hơn 6.500ha đang cho thu hoạch trong tổng diện tích gần 8.000ha có năng suất khoảng 60 tạ/ha. Giá thu mua xoài tùy loại, xoài Úc, Đài Loan, cát Hòa Lộc phổ biến ở mức từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, xoài Canh Nông khoảng 8.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá ổn định so với những năm gần đây, giúp người trồng xoài Khánh Hòa có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha.
Ngoài 3 cây trồng chủ lực kể trên, toàn tỉnh cũng đã chuyển đổi được hơn 1.200ha cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả, đất đồi rẫy tạp sang trồng cây ăn quả như: bưởi, mít, sầu riêng, chôm chôm…, hứa hẹn sẽ giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong những năm tiếp theo.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, kể từ giữa năm 2018, giá heo nhích lên từng ngày và đạt mức hơn 40.000 đồng/kg heo hơi. Đây là mức giá có lời đối với người chăn nuôi và vượt xa so với mặt bằng giá vốn chỉ quanh quẩn mức 28.000 đến 30.000 đồng/kg trước đó. Trong năm, hoạt động tăng đàn diễn ra nhanh chóng, chạm mức 170.000 con tổng đàn. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp phòng trừ, khống chế dịch bệnh nên toàn tỉnh không xảy ra đợt dịch lớn nào.
Đối với ngành Thủy sản, 1 năm sau cơn bão số 12 năm 2017, nuôi trồng thủy sản đã dần khôi phục, đạt khoảng 70% so với trước khi bão đến. Hiện nay đã đạt khoảng 3.900ha nuôi trồng, hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong việc nâng tổng giá trị ngành Nông nghiệp nói chung trong năm 2019. Với đánh bắt thủy sản, 2018 là năm thắng lớn, với sản lượng gần 99.000 tấn, tăng 2,83% so với năm 2017 và là một cột mốc mới của những chuyến vươn khơi bám biển.
Hứa hẹn bước đột phá mới
Mục tiêu của ngành Nông nghiệp Khánh Hòa trong năm 2019 là duy trì tốc độ tăng bình quân tổng sản phẩm khu vực nông, lâm, thủy sản đạt hơn 2,5%; nâng số xã nông thôn mới từ 42 lên 48 xã; có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh… Để đạt được các mục tiêu này, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục được đẩy nhanh theo hướng tập trung các cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trong vùng, thay đổi giống mới, tập trung thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và phát triển theo hướng an toàn phục vụ cho phát triển đô thị, du lịch. Bên cạnh đó, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trọng tâm như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn; Đề án phát triển kinh tế hợp tác...; tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành bổ sung các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Trong năm 2018, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 550 triệu USD, tăng 3,19% so với năm trước. |
Với chương trình nông thôn mới, việc triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn, bảo đảm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Riêng việc xây dựng mối liên kết, hoạt động hợp tác giữa sản phẩm do nông dân làm ra với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản sẽ được đẩy mạnh, trong đó cốt lõi là việc triển khai Đề án đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2019, khi những cây trồng, nhất là cây lâu năm, cây ăn quả dần lấy lại vị thế, diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng lên, hoạt động chăn nuôi được duy trì ở mức cao khi giá cả phục hồi, toàn tỉnh sẽ triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm. Cụ thể, sẽ có 31 sản phẩm chủ lực được khuyến khích bằng các chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển. Song song đó, tỉnh sẽ triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo quyết định của Chính phủ. Những chính sách này hứa hẹn sẽ tạo cú hích mới cho nông nghiệp Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Hồng Đăng