Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Song, vấn đề này đang là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) hướng đến. Song, vấn đề này đang là thách thức đối với các DN vừa và nhỏ.
Nhiều khó khăn
Thời gian qua, nhiều DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, số lượng DN thành công chưa nhiều. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất hiện nay ở Khánh Hòa có chất lượng khá tốt, song đa phần đều chưa đủ tiềm lực tài chính để thực hiện các hoạt động quảng bá. Trong khi đó, hàng hóa liên tục vấp phải sự cạnh tranh trên thị trường nên vấn đề xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp bách. Ông Phạm Thái Hải - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hải Nha Trang (chuyên sản xuất nước mắm) cho biết: “Để mở rộng thị trường, chúng tôi chỉ biết đi từng bước, tiếp cận nhiều kênh, đến từng khu vực để tiếp thị sản phẩm. Làm như vậy cũng đạt được một số kết quả nhất định. Song, xây dựng thương hiệu theo cách này sẽ rất chậm. Muốn quảng bá và xây dựng thương hiệu nhanh hơn thì các DN vừa và nhỏ lại gặp rào cản về tài chính, đây là khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải”.
Hiện nay, với các sản phẩm của Khánh Hòa, người tiêu dùng trong và ngoài nước chỉ biết đến một vài thương hiệu nổi tiếng như: yến sào, dệt may Khatoco, nước khoáng Vikoda... Còn lại các sản phẩm, mặt hàng chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, thủ công mỹ nghệ... được xem là sản phẩm đặc trưng, đóng góp rất lớn vào kinh tế trong vài năm gần đây thì gần như chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp máy móc, trang thiết bị để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Nhưng, việc chưa xây dựng và định vị được thương hiệu đã khiến đầu ra của sản phẩm chưa đạt theo kỳ vọng. Với sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay, việc xây dựng và định vị thương hiệu là hết sức cần thiết. Các DN vừa và nhỏ cần được hỗ trợ trong lĩnh vực này”.
Cần sự hỗ trợ
Thực tế cho thấy, nhiều DN chỉ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng, phát triển thương hiệu nên chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, xây dựng phân khúc riêng cho sản phẩm; đồng thời, tận dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc định vị thương hiệu trên thị trường, nhằm tạo sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - cán bộ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đánh giá: “Đa phần các DN vừa và nhỏ ở Khánh Hòa chưa biết làm thế nào để xây dựng và định vị thương hiệu. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và phức tạp, việc nhận diện, phân biệt sự khác nhau giữa các nhãn hiệu của cùng một dòng sản phẩm là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai công tác khuyến công, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tập huấn hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu, nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ của Khánh Hòa tìm đầu ra cho sản phẩm”. Việc xây dựng và định vị thương hiệu sẽ giúp DN nhỏ, cơ sở sản xuất phát triển một cách bền vững, giúp tổ chức DN một cách chặt chẽ và hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, từng bước xây dựng niềm tin ở người tiêu dùng.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Hàng năm, Cam Ranh đều đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ để tiến hành xây dựng thương hiệu cho các DN. Mới đây, chúng tôi cũng đã đặt hàng cho sở làm một số thương hiệu và hy vọng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN trong phát triển sản xuất”.
Theo ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Thời gian tới, tỉnh cùng các sở, ngành liên quan sẽ triển khai nhiều giải pháp trợ giúp DN. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai thí điểm Đề án mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018”; tích cực tham gia các đợt xúc tiến thương mại ở thị trường ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng đã hướng dẫn 22 cơ sở sản xuất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đảm bảo chất lượng và thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm có mặt trên thị trường”.
NHẬT MINH