11:06, 27/06/2018

Khá giả nhờ tầm vông

Trên mảnh đất triền đồi khô cằn, ông Lê Hanh (sinh năm 1949, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã đầu tư trồng cây tầm vông, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

 

Trên mảnh đất triền đồi khô cằn, ông Lê Hanh (sinh năm 1949, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã đầu tư trồng cây tầm vông, mang lại nguồn thu nhập ổn định.


Trăn trở cây trồng


Năm 1996, thời điểm mà đời sống của người dân khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, ông Lê Hanh cũng như bao người dân xã Khánh Hiệp chủ yếu trồng bắp, mì để giải quyết bữa ăn hàng ngày. Dù vậy, ông vẫn luôn trăn trở phải làm sao để thoát được cảnh đói nghèo. Bên cạnh trồng bắp, mì, ông còn bỏ ra nhiều công sức để khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích trồng keo. Đặc biệt, ông đã mạnh dạn dành hẳn 1ha đất để trồng xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, những loại cây trồng mà ngày đó chưa ai nghĩ tới. Chỉ có điều, Khánh Hiệp là nơi đất đai tương đối khô cằn. Xoài và bưởi vẫn đơm hoa kết trái, nhưng số lượng không đáng kể. Hoạt động giao thương lúc này còn khó khăn, xoài của ông khó tiếp cận với thị trường. “Do đất nơi đây nhiễm phèn nên cây ăn quả cứ lụi dần rồi ngày một khô héo. Mua bán lúc đó cũng khó khăn, cách trở nên nhìn chung hiệu quả không cao”, ông Hanh nhớ lại.

 

Những cây măng tầm vông mập mạp, tươi tốt hứa hẹn sẽ cho thu hoạch vào năm sau.

Những cây măng tầm vông mập mạp, tươi tốt hứa hẹn sẽ cho thu hoạch vào năm sau.


Sau gần 10 năm đánh vật với xoài, bưởi, giữa lúc ông đang bức bí muốn chuyển đổi cây trồng thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học trồng cây tầm vông tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Đề tài do kỹ sư Võ Quang Cảnh làm chủ nhiệm được triển khai từ năm 2007 đến 2009, gia đình ông Lê Hanh được tiếp cận mô hình này. Trên vườn đồi nhà ông, hình thức trồng tầm vông tập trung với diện tích 1ha trồng 500 cây chính thức được triển khai. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy tỷ lệ sống của tầm vông trên đất Khánh Vĩnh đạt cao nhất trong số 3 địa phương (81,2%) và cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Chính vì vậy, vào năm 2016, có thêm trợ lực từ Trạm Khuyến nông huyện Khánh Vĩnh, ông Hanh mở rộng thêm 1ha tầm vông và mới đây nhất ông tự tách giống để trồng thêm 5 sào, nâng tổng diện tích tầm vông của gia đình lên 2,5ha.


Khấm khá nhờ tầm vông


Đến Khánh Hiệp bây giờ, ngay sau lưng UBND xã là khu vườn rẫy rộng 7ha của ông Lê Hanh. Trong vườn, từng bụi tầm vông có đường kính từ 3 đến 4m, mỗi bụi từ 20 đến 30 cây nằm thẳng tắp cách nhau theo chuẩn hàng cách hàng 5m, bụi cách bụi 4m. Cây này từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch là 3 năm, sau đó thu từng năm một. Cứ 1 bụi tầm vông cho thu đều đặn khoảng 6 - 7 cây/năm. Mỗi cây bán được 25.000 đồng, bình quân 1ha tầm vông mang về thu nhập cho gia đình ông 70 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 60 triệu đồng/ha. “60 triệu đồng này tương đương với 1ha keo nhưng cây keo phải sau 4 năm mới cho thu hoạch 1 lần và thu hoạch xong thì phải trồng cây khác. Tầm vông lại khác, tre già măng mọc liên tục nên không mất công trồng lại”, ông Hanh cho biết.


Ngoài tầm vông, ông Hanh còn có 2 ao cá có tổng diện tích 1.500m2 được ông thả cá trê lai, rô phi, cá lóc; bên cạnh đó là hàng chục con heo và khoảng 200 con gà mang về cho ông thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm. Ông còn có 4ha keo đã xuống giống từ đầu năm 2018, hứa hẹn nguồn thu lâu dài.


Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, tầm vông là cây dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất khô cằn, hoang hóa, triền đồi. Nhờ đặc tính đồng đều, thẳng, đặc ruột, cứng, có khả năng uốn cong và chịu lực tốt... nên tầm vông được sử dụng nhiều trong các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, làm bàn ghế, vật dụng gia đình và vật liệu xây dựng. Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, ông Hanh là gương điển hình tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu ở xã Khánh Hiệp. Mô hình trồng cây tầm vông của ông bước đầu khẳng định tính phù hợp và hiệu quả. Mô hình này đã và đang được nhiều người học hỏi, triển khai trồng tại một số xã trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.


Công Định